Các quan chức Indonesia xác nhận chiếc máy bay của Hãng hàng không AirAsia mang số hiệu QZ8501 bị mất tích đã rơi tại khu vực biển Java, ngoài khơi Borneo.
Chiếc Airbus A320-200 chở 162 hành khách và phi hành đoàn mất liên lạc với kiểm soát không lưu hơn 40 phút sau khi cất cánh và đang trên đường từ Surabaya, Indonesia đến Singapore.
Khởi hành
Máy bay QZ8501 cất cánh từ Surabaya lúc 5h35 sáng 28/12 (giờ địa phương) cùng với 162 người trên khoang bao gồm bảy thành viên phi hành đoàn gồm 2 phi công, 4 tiếp viên và 1 thợ máy. Trong số 155 hành khách có 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh.
Theo kế hoạch, chuyến bay này sẽ hạ cánh tại Singapore sau 2 giờ cất cánh. Các phi công đã liên lạc với kiểm soát không lưu vào lúc 6h12 sáng 28/12 để yêu cầu cho phép nâng độ cao, tránh khu vực thời tiết xấu.
Điều phối viên không lưu đã không chấp nhận yêu cầu vì điều kiện trong khu vực không cho phép máy bay thay đổi độ cao tức thì.
Mất tích
Khi kiểm soát không lưu cố gắng liên lạc lại với máy bay, câu trả lời chỉ là sự im lặng đáng sợ. Chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar ngay sau đó mà không phát đi bất kỳ tín hiệu cầu cứu nào.
AirAsia cho biết, phi công đã yêu cầu nâng độ cao lên 11,4km để tránh những đám mây bão lớn, hình thái thời tiết khá phổ biến tại khu vực này. Cơ quan thời tiết của Indonesia cho biết, những đám mây bão lúc này đã ở độ cao khoảng 13km, cao hơn so với độ cao mà các máy bay thương mại thường bay.
Theo báo cáo, chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 là máy bay bay thấp nhất trong khu vực tại thời điểm chiếc máy bay này biến mất đầy bí hiểm.
Tìm kiếm các mảnh vỡ
Việc tìm kiếm tập trung vào khu vực biển Java, giữa đảo Belitung và Kalimantan, vị trí cuối cùng trước khi máy bay mất liên lạc. Có khoảng 30 tàu trong đó có 3 tàu chiến và hơn 20 máy bay, bao gồm cả các máy bay trực thăng, máy bay P3-Orions và Hercules C-130 đã quần thảo trên một diện tích rộng 34.300km2 để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Các nước như Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã tham gia chiến dịch tìm kiếm. Những ngư dân địa phương cũng đã hỗ trợ việc tìm kiếm. Có thông tin cho rằng, người đầu tiên phát hiện ra các mảnh vỡ của chiếc máy bay là Mohammed Taha, một ngư dân 38 tuổi.
Mohammed Taha đã thấy các mảnh vỡ màu đỏ, trắng (màu sơn trên các máy bay của AirAsia) vào đêm 28/12 (thời điểm chiếc máy bay gặp nạn) nhưng ngư dân này đã ở trên biển cả ngày và không hề biết thông tin về vụ tai nạn.
Khi Taha trở về làng Belinyu vào tối 29/12 và nghe được thông tin vụ máy bay mất tích, anh đã trình báo với cảnh sát địa phương về những gì đã thấy.
Tờ Telegraph của Anh dẫn lời Taha kể lại: “Tôi thấy rất nhiều mảnh vỡ lớn nhỏ khác nhau ở khu vực ngoài khơi đảo Tujuh”.
Nỗ lực cứu hộ
Có một số thông tin nói rằng, bóng của chiếc máy bay hiển hiện dưới nước. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi vùng biển Java có mực nước tương đối nông. Theo các quan chức Indonesia, đống đổ nát của máy bay có thể nằm ở độ sâu 24-30m.
Đội thợ lặn gồm 21 người của hải quân Indonesia đã được triển khải để hỗ trợ tìm kiếm. Nước này cũng đã đưa đến hiện trường thiết bị chuyên dụng để xác định vị trí các hộp đen của chiếc máy bay xấu số. Hai hộp đen của máy bay có cân nặng khoảng 7kg/chiếc, được thiết kế chịu được áp lực nước ở độ sâu lên đến 6.000m.
Hộp đen của máy bay sẽ có đủ pin để phát tín hiệu trong ít nhất 30 ngày./.