Chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 toàn cầu: Kỳ vọng không giống hiện thực

GD&TĐ - Sau nhiều tháng đấu tranh, liên minh COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn sắp có thêm nhiều liều vắc-xin nữa, hứa hẹn giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin ở các nước nghèo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, COVAX hiện phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu sắc: Nhiều khó khăn xuất hiện trong hoạt động tiêm chủng khi biến thể Delta ngày càng lan rộng.

Mục tiêu còn xa

Số ca tử vong do Covid-19 đang tăng khắp châu Phi dù vào tháng 6 khi 100.000 liều vắc-xin Pfizer-BioNTech đã đến Cộng hòa Chad.

Việc chuyển giao này dường như là bằng chứng cho thấy chương trình tiêm chủng nhằm đạt miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn sẽ mang đến các loại vắc-xin mong muốn nhất cho các quốc gia kém phát triển nhất.

Tuy nhiên, “kỳ vọng không giống hiện thực”. Năm tuần sau đó, Bộ trưởng Y tế Chad cho biết, 94.000 liều vắc-xin vẫn chưa được sử dụng.

Cách không xa, ở đất nước Bénin, cũng chỉ có 267 liều được tiêm mỗi ngày. Tốc độ tiêm chậm đến mức 110.000 liều AstraZeneca do COVAX cung cấp trở thành… rác vì hết hạn.

Thực tế trên khắp châu Phi, một chương trình bí mật theo dõi ít ​​nhất 9 quốc gia từ tháng 7 tiết lộ “có nguy cơ rất cao một lượng lớn vắc-xin dành cho người nghèo bị hỏng trong mùa hè này”. Việc tích lũy vắc-xin nhưng không sử dụng được là minh họa rõ nhất của một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà COVAX đang phải đối mặt.

Được xem là “liên minh quyền lực vắc-xin mang tính toàn cầu” gồm các tổ chức y tế và tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, COVAX trị giá hàng tỷ USD ra đời là để các nước nghèo cũng nhận được vắc-xin nhanh như các nước giàu. Nhưng thực tế và mục tiêu vẫn còn khoảng cách khá xa.

COVAX từ lúc ra đời đã phải chật vật để có được những nguồn vắc-xin thỏa đáng. Một lý do là kinh phí còn thiếu hàng tỉ USD so với kế hoạch. Hệ quả là, các nước nghèo hoàn toàn không được bảo vệ thích đáng ngay cả trước khi biến thể Delta lan tràn.

Ý định tốt đẹp ngăn chặn Coronavirus của COVAX hầu như chưa đạt được. Nhu cầu tiêm chủng khẩn cấp của thế giới nói chung đã vượt xa nhu cầu bảo vệ người dân ở các quốc gia nghèo.

Tiến sĩ Ayoade Alakija, đồng Chủ tịch chương trình phân phối vắc-xin của Liên minh châu Phi, cho biết: “COVAX đang chệch choạc, nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Vì lợi ích của con người, COVAX phải hoạt động và không được thất bại”.

Hiện đã có nhiều nguồn cung cấp hơn, đặc biệt là từ Mỹ, với 500 triệu liều Pfizer tự mua nhưng không tự phân phối mà thông qua COVAX. Mỹ vẫn là “trung tâm cam kết hiến tặng” của các nước giàu.

Số vắc-xin trên sẽ được vận chuyển trong tháng 8. Khoản hứa đóng góp 3,5 tỷ USD của Mỹ trong bản ghi nhớ từ cuộc họp giữa COVAX và các quan chức Mỹ gồm cả việc chuyển hàng trăm triệu USD để giúp hoạt động tiêm chủng ở các nước nghèo được suôn sẻ hơn.

Không có đủ kinh phí, những quốc gia này không thể mua đủ nhiên liệu để vận chuyển vắc-xin đến các trạm y tế, huấn luyện đội ngũ tiêm chủng và tuyên truyền thuyết phục người dân tiêm thuốc.

Liệu COVAX có thể vượt qua những sai lầm?

Chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 toàn cầu: Kỳ vọng không giống hiện thực ảnh 1

Trong khi các quan chức COVAX cố tìm kiếm các khoản tài trợ để giải quyết các bất cập, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Liệu chương trình có thể vượt qua những sai lầm đang có và cân bằng được “quyền lực vắc-xin” mà các quốc gia giàu có và các công ty dược phẩm đang giữ thế thượng phong?

Ví dụ, việc Pfizer không thỏa thuận trực tiếp với COVAX mà đạt được thỏa thuận riêng với chính phủ Mỹ để bán vắc-xin cho chương trình, gây tổn hại đến uy tín của COVAX trong tư cách là “người mua vắc-xin độc lập”.

Chưa hết, COVAX còn lúng túng, chậm trễ trong nhiều khâu và cả đấu đá nội bộ. Theo các cuộc phỏng vấn và từ thông tin rò rỉ từ COVAX, chính các rào cản quan liêu do ban lãnh đạo áp đặt đã khiến việc giải ngân 220 triệu USD để giúp các quốc gia nghèo dễ dàng đưa vắc-xin đến người dân bị cản trở.

Được hậu thuẫn bởi một tổ chức phi lợi nhuận do Quỹ Gates tài trợ, COVAX là sáng kiến chưa có tiền lệ. Nó đã đưa vắc-xin đến các quốc gia nghèo nhanh hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, 163 triệu liều mà COVAX đã phân phối (hầu hết miễn phí cho các quốc gia nghèo hơn và một phần cho các quốc gia giàu, có trả tiền như Canada) còn kém xa kế hoạch tối thiểu 640 triệu liều.

Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Gavi, tổ chức phi lợi nhuận giữ vai trò chủ lực trong COVAX, cho biết: “Kinh phí không đủ khiến nguồn cung thiếu hụt là điều không thể tránh khỏi.

Khi vấn đề vắc-xin sắp hết hạn lộ ra ở Chad và Benin, COVAX vừa tìm cách nâng cao năng lực tại hai nước này, vừa chữa cháy bằng cách chuyển nhanh vắc-xin cho các quốc gia khác”. Cả những người ủng hộ và phản biện đều đồng ý rằng, COVAX phải được cải tổ cấp bách.

Ra đời đúng thời điểm

Trong những tháng đầu năm 2021, các chuyên gia y tế đã lên chiến lược về cách tiêm chủng công bằng cho toàn thế giới. COVAX là câu trả lời. Đây là tập hợp hai tổ chức phi lợi nhuận do Gates tài trợ (Gavi và Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh-CEPI), Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF. COVAX hy vọng sớm trở thành nhà mua vắc-xin lớn nhất toàn cầu, cho cả các quốc gia giàu và nghèo, tạo cho nó sức mạnh để “khống chế” các nhà sản xuất vắc-xin.

“Nhưng nếu các quốc gia giàu có cam kết đóng góp, họ lại không là đối tác có trách nhiệm. Ví dụ, Vương quốc Anh thương lượng để các thành viên COVAX giàu có được quyền chọn lựa mua vắc-xin, gây ra sự chậm trễ” - Kate Elder, cố vấn chính sách cấp cao về vắc-xin cho Chiến dịch Tiếp cận Bác sĩ Không Biên giới (Doctors Without Borders’ Access Campaign) nhận xét.

Quan trọng hơn, các quốc gia giàu có thường là đối thủ trong cuộc tranh mua vắc-xin, khi họ sẵn sàng trả phí hậu hĩnh để mua. Ngược lại, việc giải ngân các cam kết tài chính chậm chạp khiến COVAX khó ký nhanh hợp đồng mua vắc-xin.

Tiến sĩ Nicole Lurie, Giám đốc người Mỹ tại CEPI, cho biết: “Bạn không thể vượt qua lực cản quá lớn trong một đại dịch” khi đề cập đến hoạt động huy động tài chính tuyệt vọng. Ban đầu, COVAX lên kế hoạch giao hàng quy mô từ Viện Serum, một nhà sản xuất Ấn Độ.

Nhưng vào tháng 3/2021, khi đại dịch bùng phát ở Ấn Độ, chính phủ quốc gia này tạm dừng xuất khẩu vắc-xin khiến nhiều nước nghèo bị ảnh hưởng. Họ đã bỏ tiền vào COVAX, nhưng thường bị gạt ra ngoài lề trong việc đưa ra quyết định.

Tháo gỡ khó khăn

Tháng 5 vừa qua, COVAX có vẻ cố gắng tìm kiếm thỏa thuận mua vắc-xin giá rẻ từ Pfizer để bổ sung vào 40 triệu liều đã đặt mua từ đầu năm. Tuy nhiên, “phía sau hậu trường, quan hệ giữa Pfizer và COVAX vẫn căng thẳng âm ỉ”.

Pfizer muốn những liều thuốc giá rẻ chỉ đến các quốc gia nghèo hơn. COVAX khẳng định cũng sẽ đáp ứng các đơn đặt hàng giá rẻ cho các quốc gia giàu đã mua trực tiếp với giá cao hơn. Ví dụ, Hàn Quốc đã nhận được liều Pfizer từ chương trình.

Tiến sĩ Berkley cho biết trong các cuộc đàm phán ở vòng đầu tiên, Pfizer đã tìm kiếm các biện pháp bảo vệ trách nhiệm pháp lý ngoài thỏa thuận bồi thường theo mô hình của COVAX, đồng thời yêu cầu các quốc gia ký thêm các văn bản pháp lý.

Jeffrey D. Zient, điều phối viên ứng phó với virus Corona của Tổng thống Biden đã xoa dịu dư luận khi khẳng định “Nhà Trắng sẽ chỉ tặng vắc-xin cho các quốc gia nghèo nhất của chương trình và Liên minh châu Phi”.

Hiện, Mỹ đang trả khoảng 7 USD cho mỗi liều được tặng, tức gần một phần ba giá thuốc Pfizer dùng cho người Mỹ. Tiến sĩ Berkley cho biết, việc Mỹ tham gia mua   vắc-xin cho chương trình đã cho phép COVAX nhận được nhiều liều hơn và nhanh hơn so với việc nó tự mua.

Vấn đề bảo quản và vận chuyển

Với dự kiến ​​sẽ có thêm 1,7 tỷ liều vắc-xin vào tháng 12, COVAX lo ngại một số quốc gia nghèo sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng vắc-xin đến quá nhanh. Ngoài trở ngại trong giao hàng và các chuyến hàng không chắc chắn, một số quốc gia gặp vấn đề về chuẩn bị. Lily Caprani, cố vấn cấp cao của UNICEF cho biết: “Sẽ dễ dàng mở rộng quy mô tiêm chủng hơn nhiều nếu bạn có nguồn cung ổn định và chuẩn bị tốt”.

COVAX có kế hoạch huy động thêm các khoản tài trợ và cho vay của Ngân hàng Thế giới để giúp tiêm chủng nhanh hơn, nhiều hơn tại các nước nghèo hơn. Nhưng 1,8 tỷ USD COVAX có sẵn từ cuối tháng 6 để cung cấp vắc-xin vẫn còn thiếu 1 tỷ USD.

Do vắc-xin Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, COVAX cần lắp đặt thêm 250 đến 400 tủ đông và máy phát điện dự phòng. Một số quan chức châu Phi lo ngại lưới điện bị quá tải.

Chính đây là lý do một số quốc gia, như Chad, không thể chuyển Pfizer ra ngoài các thành phố lớn. Để mua tủ đông, COVAX sẽ huy động 220 triệu USD mà Đức cam kết từ tháng 2/2021. Nhưng bộ máy hành chính quan liêu đã ngăn việc sớm giải ngân.

Đức buộc số tiền này phải được phân phối thông qua UNICEF và phải trao cho COVAX. Đức chỉ giải ngân khi hai tổ chức này đệ trình kế hoạch chi tiêu chung, mà đến tháng 7 vẫn chưa xong. Gavi được giao giám sát cách chi tiêu, vẫn chưa chuyển tiền mặt cho UNICEF.

Tiến sĩ Mark Dybul, Giáo sư Đại học Georgetown đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao họ không thể làm một cách tập trung khi hệ quả là có rất nhiều vắc-xin không đến được với người cần”.

Theo The New York Times 8/2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.