Hướng đi này mang đến nhiều kỳ vọng về sự đột phá cho công tác đào tạo của các trường nói riêng và hệ thống GDĐH Việt Nam nói chung.
Chất lượng từ đầu vào đến đầu ra
Chương trình cử nhân tài năng các trường đại học đang triển khai đều hướng đến 3 yếu tố chính: Chương trình chuẩn mực (mua từ nước ngoài, tự xây dựng), nhân lực hội nhập và kỹ năng nghề nghiệp.
Là trường đại học ngoài công lập triển khai chương trình cử nhân tài năng trong năm 2022 với 5 ngành học gồm: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing và Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Gia Định cho thấy rõ xu thế trong nhu cầu và chất lượng của nguồn nhân lực trong bối cảnh mới.
ThS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định - cho biết: “Sinh viên được học tập theo giáo trình chuẩn nước ngoài thông qua các đối tác của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng cũng như của nhà trường. Ngoài đội ngũ giảng viên chất lượng, cơ sở vật chất hiện đại, chương trình chuẩn chất, khi theo học chương trình cử nhân tài năng tại ĐH Gia Định, sinh viên sẽ nhận được nhiều chính sách thu hút như học bổng, tài trợ từ doanh nghiệp và cơ hội làm việc ngay trong quá trình học. Với chương trình này, chúng tôi muốn ươm mầm những tài năng và giúp sinh viên xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp của riêng mình khi còn ngồi ở giảng đường đại học”.
Với chất lượng nguồn tuyển đầu vào cao cộng với việc được học trong môi trường chuẩn hóa toàn diện, chất lượng đầu ra của sinh viên các chương trình này rất tốt. TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho hay: Có em thủ khoa đầu vào sau quá trình học tập tiếp tục trở thành thủ khoa đầu ra. Nhiều doanh nghiệp săn lùng nhân tài đến trường đặt hàng sinh viên ngay từ năm 3. “Trường ĐH Nông Lâm TPHCM hiện có hai chương trình dạng này là Thú y và Công nghệ thực phẩm với điểm chuẩn trúng tuyển rất cao (27 điểm). Chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, là điểm nhấn về chất lượng đào tạo cũng như nghiên cứu và hợp tác quốc tế nhiều năm nay. Cái hay của hai chương trình này là ngoài chính sách hỗ trợ học bổng, thu hút học sinh giỏi, sinh viên còn được đăng ký và ưu tiên thực tập tại các nước và đối tác quốc tế của nhà trường”, TS Lý chia sẻ.
Theo TS Ngô Đức Thành - Trưởng khoa Khoa học Máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM), điểm đặc thù của chương trình tài năng là cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức vững vàng. Bên cạnh đó, trường tăng cường khối lượng kiến thức chuyên sâu và cập nhật những lĩnh vực công nghệ khoa học tiên tiến nhất.
“Sinh viên tài năng được chú trọng nhiều vào năng lực tư duy, sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học. Vì vậy, khi đầu vào tốt, sinh viên được học tập và nghiên cứu trong môi trường học thuật toàn diện, hiện đại… chất lượng nhân lực sau đào tạo được doanh nghiệp đánh giá rất cao”, TS Thành nói.
Mô hình cần nhân rộng
Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực của chương trình cử nhân tài năng, ông Lê Hoàng Chương - Giám đốc phụ trách tuyển dụng của C.P Việt Nam (CP Group) - cho rằng, nhân tài luôn có vai trò quan trọng trong sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội ở bất cứ giai đoạn, thời kỳ nào. Nhân lực giỏi chính là yếu tố hàng đầu trong việc cạnh tranh và phát triển, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
“Nhận thức được điều đó, chúng tôi luôn xây dựng nhiều chính sách thu hút người giỏi dựa trên chế độ phúc lợi. Để săn nhân lực giỏi, chúng tôi thường xuyên kết hợp với Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đặt hàng sinh viên từ năm 3. Chất lượng sinh viên nhóm ngành chương trình chất lượng cao, tài năng của trường rất ổn. Các em thích ứng công việc nhanh, doanh nghiệp không mất công thực hiện khâu đào tạo lại”, ông Chương thông tin.
Là sinh viên học chương trình cử nhân tài năng khóa 47 tại Viện ISB, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Đỗ Thùy Linh nhìn nhận việc được học cùng nhiều sinh viên giỏi, tài năng đã tạo cho em động lực cố gắng. “Môi trường học tập cạnh tranh đã giúp em và các bạn có động lực để cùng nhau tìm kiếm những thách thức và giới hạn tối đa của bản thân. Học tập trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, giáo trình quốc tế đã giúp em và các bạn không bị tụt lại với bối cảnh chung, có thêm điều kiện tìm kiếm nguồn tri thức mới khi được giao lưu thường xuyên với sinh viên quốc tế”, Thùy Linh cho biết.
Ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Funiture - cho rằng: Nhân lực tài năng, tiên tiến không chỉ phục vụ, đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn cho khu vực, thế giới. Vì vậy, các trường đại học của Việt Nam nên khai thác, phát huy lợi thế ngành nghề cho việc đào tạo tinh hoa, nhân tài. Bởi theo ông Vạn, mỗi trường có thế mạnh riêng nên việc xây dựng chương trình cử nhân tài năng theo nhóm ngành thế mạnh nhằm bồi dưỡng, vun đắp nhân tài, tạo nguồn nhân lực cấp cao, tinh hoa là hướng đi đúng đắn cần nhân rộng.
Đồng tình việc cần nhân rộng mô hình đào tạo này trong các trường đại học, theo ông Lê Hoàng Chương - Giám đốc phụ trách tuyển dụng của C.P Việt Nam (CP Group), doanh nghiệp và nhà trường cần tương tác, gắn kết mật thiết với nhau.
“Nhà trường và doanh nghiệp cần thảo luận và thống nhất để hỗ trợ (tài chính, chính sách) phát triển sinh viên trong chương trình tài năng một cách bài bản, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hiệu quả. Song song đó cùng nhau thảo luận, đánh giá, góp ý xây dựng chương trình đào tạo sao cho phù hợp và thiết thực nhất đối với nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt, để nguồn nhân lực này luôn được tiếp nối, doanh nghiệp sẽ cùng nhà trường tham gia tuyển sinh, chọn lọc những “hạt nhân” xuất sắc nhất qua đó giới thiệu, tư vấn, làm nổi bật chương trình này bên cạnh chương trình đào tạo chung, tăng thêm sự thu hút đối với học sinh THPT”, ông Chương nhấn mạnh.