Đây là học bổng dành cho các nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ ở ĐHQGHN được thực hiện theo Quyết định số 3688/QĐ-ĐHQGHN ngày 19/11/2021 và được triển khai từ năm học 2021-2022. ĐHQGHN là đại học công lập đầu tiên cấp học bổng có giá trị lớn cho hệ thực tập sinh sau tiến sĩ. Học bổng này sẽ có ý nghĩa và góp phần tạo nên những đột phá trong nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN.
Theo đó, học bổng được cấp xét hàng năm tối đa 100 triệu đồng/người/năm với nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/người/năm với thực tập sinh căn cứ vào kết quả học tập, nghiên cứu, công bố và các thành tích khác. Các nghiên cứu sinh nhận học bổng sẽ được đơn vị đào tạo xem xét miễn học phí. Học bổng sẽ đóng góp vào việc ươm tạo các nhà khoa học trẻ tiềm năng để phục vụ công tác thu hút cán bộ trình độ cao, chất lượng cao của ĐHQGHN cũng như phát triển mạng lưới các đơn vị đào tạo và nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các nhà khoa học trẻ trong nước và quốc tế.
ĐHQGHN đã thành lập các Hội đồng chuyên môn để đánh giá tính khả thi của đề tài nghiên cứu, đăng ký sản phẩm công bố, năng lực học tập, nghiên cứu, kỹ năng chuyên môn, trình độ tiếng Anh của ứng viên. Trong năm học này, có 11 nghiên cứu sinh trên tổng số 56 hồ sơ đăng ký (tỷ lệ 19,6%) và 20 thực tập sinh sau tiến sĩ trên tổng số 43 hồ sơ đăng ký (tỷ lệ 46,5%), đã xuất sắc giành được học bổng đầu tiên của ĐHQGHN.
Với học bổng này, cộng thêm các nguồn hỗ trợ khác từ hoạt động tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh và thực tập sinh có thể yên tâm, toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, một mặt các cơ sở đào tạo có thêm nguồn giảng viên trẻ, ưu tú, mặt khác, các nghiên cứu sinh, thực tập sinh cũng được tham gia các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN.
Trong thời gian qua, ĐHQGHN đóng vai trò như một trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia với các sứ mệnh như cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao tri thức, công nghệ mới, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phục vụ cho cộng đồng và đóng góp cho xã hội.
Sự phát triển của nền kinh tế số - kinh tế tri thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và toàn cầu hoá đặt ra yêu cầu phải phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là các ngành kỹ thuật công nghệ để đưa Việt Nam tăng tốc, bứt phá đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Đóng vai trò là đại học hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước, ĐHQGHN đã xây dựng danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, ĐHQGHN sẽ có 572 chương trình đào tạo, trong đó có 192 chương trình đào tạo bậc đại học, 225 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ và 155 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ. Đây là các chương trình đào tạo đặc sắc theo hướng cá thể hoá, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động 4.0.