Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục thể chất
Giai đoạn giáo dục cơ bản (ở cấp tiểu học và cấp THCS), chương trình được điều chỉnh, bổ sung theo mạch nội dung: Đội hình đội ngũ; Vận động cơ bản; Bài tập thể dục; Thể thao tự chọn.
Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục thể chất ở giai đoạn này là giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kỹ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực và phương pháp phòng tránh chấn thương trong hoạt động, làm cơ sở để phát triển toàn diện.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Chương trình Giáo dục thể chất cấp THPT là môn học bắt buộc có phân hoá, thông qua hình thức tự chọn môn thể thao nhằm giúp cho học sinh tiếp tục phát triển kỹ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, giúp những học sinh có năng khiếu thể thao định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường. Cụ thể như: Chương trình Giáo dục thể chất ở THPT gồm các môn thể thao tự chọn.
Chương trình học mỗi môn thể thao gồm 3 nội dung: (i) kỹ thuật cơ bản; (ii) kỹ thuật nâng cao; (iii) hoàn thiện các kỹ thuật, chiến thuật thi đấu. Tùy điều kiện của mỗi trường, học sinh có thể lựa chọn một hoặc nhiều môn thể thao trong 3 năm học hoặc mỗi năm học lựa chọn một môn môn thể thao.
Những học sinh học một môn thể thao trong cả 3 năm học THPT được học đầy đủ ba nội dung (i), (ii) và (iii). Những học sinh học hai môn thể thao được học các nội dung (i) và (ii) ở một môn thể thao, môn thể thao còn lại chỉ được học nội dung (i). Những học sinh học ba môn thể thao được học nội dung (i).
Đổi mới về phương pháp dạy học
Việc đổi mới phương pháp dạy học Giáo dục thể chất theo hướng tiếp cận năng lực là trọng tâm của Chương trình.
Yêu cầu cơ bản của phương pháp giáo dục là phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, rèn luyện năng lực tự học, tự tập luyện cho học sinh, giúp các em có cơ hội phát triển năng lực thể chất.
Để thực hiện được yêu cầu này, giáo viên đóng vai trò thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn hoạt động tập luyện cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự mình trải nghiệm, tự phát hiện bản thân và phát triển.
Giáo viên sử dụng đa dạng các phương pháp nhằm tích cực hoá các hoạt động của học sinh một cách hợp lý, kết hợp các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, chú trọng sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn thông qua các tranh ảnh kỹ thuật, video clip... để tạo nên giờ học sinh động, hấp dẫn và hiệu quả.
Trong hoạt động giáo dục thể chất, giáo viên cần tích hợp, sử dụng kiến thức một số môn học khác để nội dung luyện tập không bị đơn điệu. Ví dụ, trong quá trình tổ chức luyện tập, giáo viên nên sử dụng một số bài hát (đồng dao) khi tổ chức trò chơi, hoặc kết hợp với âm nhạc phù hợp làm “nền” cho những thời gian luyện tập nhất định trong giờ học, tạo không khí vui tươi, hưng phấn khi tập luyện, làm cho học sinh ưa thích và đam mê luyện tập thể thao.
Giáo viên cần sáng tạo và linh hoạt khi xây dựng kế hoạch dạy học môn Giáo dục thể chất để đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với cơ sở vật chất của từng địa phương cũng như thời tiết của mỗi vùng miền, đặc biệt là các nội dung thực hành ở những trường không có nhà thể chất.
Đánh giá kết quả giáo dục
Đánh giá kết quả Giáo dục thể chất phải căn cứ vào mục tiêu và các yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục thể chất, bảo đảm toàn diện, khách quan, có phân hoá; phải kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ, kết hợp giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh để điều chỉnh kịp thời hoạt động dạy - học.
Việc đánh giá kết quả Giáo dục thể chất cần thúc đẩy và hỗ trợ học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực chung, năng lực chuyên môn, chú trọng khả năng vận dụng kiến thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ hoạt động vận động của học sinh tạo được hứng thú và khích lệ tinh thần tập luyện của học sinh, qua đó khuyến khích các em tham gia các hoạt động thể thao ở trong và ngoài nhà trường.
Kết quả học tập môn Giáo dục thể chất của học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được đánh giá bằng xếp loại như: Xuất sắc; Giỏi; Khá; Trung bình: Yếu.
Kết quả học tập môn Giáo dục thể chất của học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 được đánh giá theo thang điểm 10
Điều kiện thực hiện chương trình
Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, đảm nhiệm một trong bốn mặt giáo dục Đức, Trí, Thể, Mỹ.
Giáo dục thể chất là môn học liên quan chủ yếu tới sự vận động của cơ thể, trong suốt quá trình học tập và rèn luyện; đặc thù riêng của môn học là cần dụng cụ để tập luyện các môn như bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, đá cầu, võ, điền kinh,...) kèm theo là nhà tập hoặc sân tập cho các môn thể thao...
Vậy nên, cần phải có những thiết bị tối thiểu để phục vụ cho công tác giảng dạy và tập luyện là hết sức cần thiết đối với các địa phương (chương trình môn học đề xuất ở phần thiết bị dạy học).
Cần tăng cường đủ đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất phục vụ cho công tác giảng dạy tại các nhà trường. Đặc biệt ở cấp tiểu học, do số tiết ở lớp 1 hiện hành là 35 tiết/năm, chương trình mới tăng lên thành 70 tiết/ năm.
Để thực hiện được chương trình mới khi ban hành, cần phải tiến hành bồi dưỡng cho giáo viên các cấp học hiểu rõ về mục tiêu, các yêu cầu về năng lực của học sinh cần đạt thông qua các nội dung môn học. Giáo viên phải được bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực trước khi dạy học theo chương trình mới.