Theo Dự thảo, Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THCS là văn bản thể hiện mục tiêu giáo dục cấp THCS, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học viên, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng GDTX.
Chương trình GDTX cấp THCS được xây dựng trên cơ sở căn cứ vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình Bổ túc THCS hiện hành theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Chương trình GDTX cấp THCS bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học theo Chương trình GDPT 2018 cùng cấp học. Nội dung các môn học của Chương trình GDTX cấp THCS đảm bảo kiến thức cơ bản, cốt lõi tối thiểu về yêu cầu cần đạt và chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2018 cùng cấp học, đồng thời lựa chọn số môn học văn hóa cho phù hợp với khả năng nhận thức của học viên và điều kiện thực tế dạy học của các cơ sở GDTX.
Nội dung giáo dục của Chương trình GDTX cấp THCS lựa chọn những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong đời sống.
Căn cứ vào yêu cầu cần đạt quy định tại Chương trình GDPT 2018 có điều chỉnh và tinh giảm mức độ kiến thức, chủ yếu là mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng; tăng cường bài học hướng dẫn tự học và bổ sung những kiến thức thực hành, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Trong dự thảo, các môn giáo dục bắt buộc của Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở gồm: Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên. Các môn học tự chọn gồm: Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Tiếng dân tộc thiểu số.
Đối với các môn học tự chọn: Giao quyền cho Giám đốc trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX quyết định việc lựa chọn các môn học Ngoại ngữ, Công nghệ, Tin học và Tiếng dân tộc thiểu số trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về giáo dục, nguyện vọng của người học và các điều kiện dạy học thực tế của trung tâm.
Các hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Hoạt động tập thể và nội dung giáo dục của địa phương. Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước.
Thời lượng mỗi năm học ít nhất là 35 tuần. Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Mỗi tuần có ít nhất 1 tiết của hoạt động tập thể để sinh hoạt lớp, sinh hoạt toàn trung tâm hoặc tổ chức các hoạt động tập thể do các trung tâm xây dựng
Các môn học áp dụng các phương pháp dạy học tích cực hoá hoạt động của học viên, trong đó, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học viên, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học viên tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để phát triển.
Phương pháp giáo dục cần khai thác kinh nghiệm của người học, coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, sử dụng các phương tiện hiện đại và công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học thông qua một số hình thức: thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu...
Tuỳ theo mục tiêu, tính chất nội dung dạy học, giáo viên có thể tổ chức cho học viên được làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học viên được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.