Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện: Xóa bỏ có phù hợp?

GD&TĐ - Việc bỏ các Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện đã cho thấy cần phải thay đổi.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Thực tế đã minh chứng, nếu các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) là cánh tay nối dài việc xây dựng xã hội học tập thì trung tâm GDTX cấp huyện là nền tảng tạo dựng và phát triển các trung tâm HTCĐ này.

Vai trò quan trọng

Giáo dục thường xuyên (GDTX) luôn là bộ phận hữu cơ của mọi hệ thống giáo dục. Thời gian qua, hình thức đào tạo từ xa ở một số cơ sở đào tạo chưa thực sự bảo đảm về chất lượng, dẫn tới đã có những phản ứng tiêu cực như không tuyển dụng những người có văn bằng tại chức, thậm chí đề nghị xóa bỏ các trung tâm GDTX cấp huyện, trung tâm HTCĐ cấp xã. Tuy nhiên, đây chỉ là cá biệt không phản ánh hết những đóng góp của hệ thống các trung tâm GDTX cấp huyện. Đặc biệt trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập (XHHT)…

Còn nhớ năm 2018, trước chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố Móng Cái giải thể, sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) vào Phân hiệu Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Báo GD&TĐ đã có bài phân tích về việc sáp nhập trên là thiếu cơ sở và không phù hợp vì Phân hiệu Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tại Móng Cái không có chức năng, nhiệm vụ GDTX. Sau đó, chủ trương này đã phải dừng lại, đến nay Trung tâm GDTX TP Móng Cái tiếp tục hoạt động, cho thấy  việc duy trì hoạt động của trung tâm là cần thiết và phù hợp.

Một tin vui mới, tỉnh Sơn La, sau gần 3 năm giải thể hệ thống Trung tâm GDNN-GDTX đã phải tái thành lập 11 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện trực thuộc sự quản lý của sở GD&ĐT. Theo PGS.TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT, việc tái lập các trung tâm GDTX ở Sơn La cho thấy vai trò quan trọng của các trung tâm này. Việc tổ chức các hoạt động GDTX ở các cấp học đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi người dân, cũng như hỗ trợ hoạt động cho các trung tâm HTCĐ cấp xã.

Đáp ứng nhu cầu học tập

Theo PGS.TS Lê Văn Thanh – nguyên Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, thực tế đã minh chứng hiệu quả của mạng lưới cơ sở GDTX là rộng khắp bao gồm từ các trung tâm HTCĐ ở cấp xã đến trung tâm GDTX cấp huyện và cấp tỉnh. Khi xã hội phát triển với yêu cầu học tập liên tục suốt đời ngày càng cao của người dân, việc đẩy mạnh hơn nữa GDTX trong một hệ thống giáo dục mở là cần thiết. Đặc biệt mạng lưới các trung tâm GDTX cấp huyện với vai trò là cầu nối, bệ đỡ cho  xây dựng cả nước thành một XHHT cần được duy trì và phát triển. Cần nhớ rằng các trung tâm GDTX, trung tâm HTCĐ đã và đang là tế bào của xã hội học tập. Có được mạng lưới trung tâm GDTX và trung tâm HTCĐ ngày nay là kết quả của hơn 30 năm phát triển GDTX, thành quả của nỗ lực xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là một trong những địa chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân học tập liên tục và suốt đời. Năm 2020, Văn Yên đã mở mới 12 lớp xóa mù chữ mức độ 1 và 5 lớp bổ túc THCS cho 495 học viên học tập trung tại xã Quang Minh, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tâm… Như ở xã Quang Minh, ông Triệu Quý Đức - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Quang Minh là một xã vùng II, có 2 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 643 hộ, chủ yếu là dân tộc Dao và Tày sinh sống. Nắm được nhu cầu học tập của người dân, xã đã chỉ đạo các thôn rà soát và tuyên truyền vận động những người chưa biết chữ đăng ký học xóa mù nên đến thời điểm này trên địa bàn xã cơ bản đã xóa mù chữ cho các đối tượng không biết chữ.

Khẳng định vai trò quan trọng của Trung tâm GDTX cấp huyện trong việc tạo điều kiện học tập liên tục, suốt đời cho người dân, nhà giáo Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho rằng: Trung tâm GDTX cấp huyện đã và đang hỗ trợ đắc lực nhu cầu học tập của người dân ở cấp cơ sở. Ngoài việc người dân được bổ túc, nâng trình độ văn hóa, còn là nơi để cán bộ cấp xã, huyện bổ sung kiến thức chuyên môn, nâng cao dân trí... Đặc biệt là việc duy trì phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, chống tái mù và tăng cường thời gian thực hành nói tiếng phổ thông cho người dân tộc thiểu số ở các khu vực có đông đồng bào dân tộc. Hệ thống trung tâm GDTX và trung tâm HTCĐ thật sự trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân đến học tập thường xuyên, góp phần thực hiện các mục tiêu về giáo dục, văn hóa, xã hội địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.