Tại Hải Phòng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Sơ kết kế hoạch phát triển giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2018-2025 (Quyết định số 1677/QĐ-TTG) và triển khai Quyết định số 1609/QĐ-TTG góp ý dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm phổ cập GDMN.
Đảm bảo cơ chế, chính sách
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo Sơ kết thực hiện quyết định số 1677 về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 và triển khai góp ý dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm phổ cập GDMN.
Thực hiện Quyết định số 1677/QĐ-TTG về phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025, các địa phương trên cả nước đã ban hành Kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể về phát triển GDMN. Các địa phương quan tâm đến phát triển GDMN về CSVC, đội ngũ, chế độ tiền lương, phụ cấp đảm bảo chất lượng chăm nuôi trẻ.
Nhiều chính sách đã được quan tâm, ban hành và thực hiện như: hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, hỗ trợ trẻ mầm non là con công nhân, chăm sóc trẻ mầm non giai đoạn 1000 ngày đầu đời, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ bán trú...
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị. |
Các địa phương đã thực hiện đảm bảo các chính sách cho trẻ em mầm non; giáo viên; cơ sở GDMN quy định tại Nghị định số 105; miễn giảm học phí cho trẻ em mầm non theo Nghị định số 81/2021.
Một số địa phương ban hành chính sách riêng để hỗ trợ trẻ em mầm non như: Hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non (Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu...); hỗ trợ tiền ăn bán trú cho trẻ nhà trẻ (Lai Châu, Tuyên Quang...); thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, sữa học đường (TP Hồ Chí Minh, Nam Định...).
Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm, đẩy mạnh. Toàn quốc có 99,1% trẻ em mầm non được tổ chức học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ em mầm non suy dinh dưỡng thể nhẹ là 1,7% và suy dinh dưỡng thể thấp còi là 2,2%; tỷ lệ trẻ em béo phì được khống chế.
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng so với các năm trước cho thấy nỗ lực của toàn ngành và các địa phương trong việc khắc phục khó khăn để đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu trẻ đến trường.
Cán bộ, lãnh đạo Ngành Giáo dục các địa phương tham dự Hội nghị ngày 26/7. |
Các địa phương quan tâm tới công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp cùng với việc triển khai thực hiện Đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp theo hướng giảm điểm trường lẻ, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ để tăng cường công tác đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp ; khuyến khích phát triển trường lớp mẫu giáo ngoài công lập những nơi có điều kiện, đặc biệt tại các nơi có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương tích cực tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non.
Chế độ tiền lương, phụ cấp của nhà giáo được quan tâm theo quy định của Chính phủ. Các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 48/2011 quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non; thực hiện chính sách quy định về lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên của cấp học mầm non.
So với mục tiêu phấn đấu năm 2020, tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ từ CĐSP trở lên vượt 17,3%. Các địa phương tiếp tục thực hiện tuyển dụng, sử dụng đội ngũ, rà soát, ban hành các giải pháp bổ sung đội ngũ đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu băn khoăn về chế độ chính sách cho giáo viên mầm non cũng như những khó khăn cần được tháo gỡ.
Theo đó, được sự quan tâm của các cấp, ngành, tuy nhiên mạng lưới trường, lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ toàn quốc mới đạt 70,4% trong đó: Nhà trẻ đạt 32,1%; mẫu giáo 93,1%. Còn 67,9% trẻ nhà trẻ và 6,9% trẻ mẫu giáo chưa được tới trường.
Có khoảng gần 500.000 trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; gần 800.000 trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số chưa được tới trường lớp, chưa tiếp cận được với GDMN.
Nhiều đại biểu cho rằng, chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non còn quá thấp. |
Mạng lưới GDMN ngoài công lập phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, khó phát triển ở nơi có điều kiện kinh tế khó khăn; khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu trường, lớp mầm non.
Nhiều địa phương còn thiếu phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, nhiều phòng học tạm, học nhờ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thông tin, Bắc Kạn là tỉnh vùng cao khó khăn, dân số ít, thưa thớt. Giáo dục mầm non còn nhiều trở ngại, trong đó có 72 trường nằm các xã có vùng kinh tế khó khăn.
Thực hiện Quyết định 1677, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhưng còn nhiều tiêu chí chưa phù hợp và khó thực hiện, đặc biệt là trường ngoài công lập, tỷ lệ giáo viên đứng lớp, tỷ lệ trường lớp kiên cố... Việc huy động các nguồn lực xã hội để trả lương cho giáo viên rất khó khăn.
Trên toàn quốc, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu 51.388 người. Tình trạng giáo viên mầm non bỏ nghề sau dịch Covid-19 trở nên phổ biến; tỷ lệ giáo viên/lớp mới đạt bình quân 1,86 GV/lớp (trong khi định mức quy định tối đa 2,5GV/lớp đối với nhà trẻ và 2,2 GV/lớp đối với mẫu giáo).
Đặc biệt, chế độ chính sách, tiền lương giáo viên mầm non còn thấp, số giáo viên tiếp cận với lương hạng I, II còn ít.
Ông Nguyễn Văn Hưng- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Thực hiện Quyết định 1677, tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiêu chí đảm bảo, hoàn thành theo kế hoạch như: tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tỷ lệ giáo viên trên lớp, trường, lớp học kiên cố. Một số chỉ tiêu sẽ hoàn thành trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, điều mà ông Hưng trăn trở đó là vấn đề thiếu giáo viên, chính sách chế độ cho giáo viên mầm non. Đại biểu bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT cùng các bộ ngành liên quan ghi nhận, có ý kiến báo cáo trình Chính phủ để sớm ban hành cơ chế, chính sách tiền lương đảm bảo thu hút được giáo viên mầm non.
Vấn đề về chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non....được quan tâm thảo luận. |
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đến từ Sở GD&ĐT tỉnh: Bắc Ninh, Long An, Đắc Lắc, TP Hồ Chí Minh...có báo cáo, tham luận, trao đổi trực tiếp về vấn đề các văn bản pháp luật và chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao các đầu mối các Sở GD&ĐT đã cố gắng, coi trọng công tác tham mưu phối hợp và có những báo cáo, tham luận, góp ý, trao đổi hiệu quả, sáng tạo đạt mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Thực hiện đề án của Chính phủ, bên cạnh việc triển khai các cơ chế, chính sách, các địa phương cần quan tâm, coi trọng công tác tuyên truyền cho cha mẹ trẻ hiểu để phối hợp tích cực với nhà trường, với ngành giáo dục đảm bảo môi trường tốt cho sự phát triển của trẻ giai đoạn đầu đời.
Chương trình GDMN cần có những bước đi bài bản liên thông với Chương trình GDPT 2018.