Chương trình Giáo dục mầm mon: Chặng đường kiến tạo hướng đến chuẩn chất lượng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chương trình GDMN mới phải kế thừa những ưu điểm của Chương trình GDMN trước đây, vận dụng thành tựu đổi mới Chương trình GDMN trên thế giới.

Trẻ làm trung tâm trong các hoạt động ở trường mầm non huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Trẻ làm trung tâm trong các hoạt động ở trường mầm non huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Nhiều đóng góp lớn

Chương trình GDMN hiện hành được thực hiện dựa trên các phương pháp đánh giá đa dạng trong đó có khảo sát trên diện rộng với đối tượng là chuyên gia, cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên mầm non (GVMN): Khảo sát trực tiếp ở 7 tỉnh và khảo sát thông qua phiếu trưng cầu ý kiến ở 21 tỉnh/TP (đại diện cho 7 vùng).

Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Bộ GD&ĐT, sự triển khai kịp thời, đồng bộ với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo của các địa phương, cơ sở GDMN, đến nay Chương trình GDMN đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở GDMN (100%), trong đó có 5.255.889 trẻ (99%) học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN.

Chương trình GDMN đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GDMN: Chương trình thể hiện tính chất của Chương trình khung quốc gia, tạo cơ hội cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện; Chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phương châm giáo dục “học bằng chơi, bằng trải nghiệm” của trẻ, tạo điều kiện đảm bảo cho trẻ phát triển liên tục, đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ.

Tuy nhiên đến nay, Chương trình đã cho thấy những hạn chế, chưa thể hiện được quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực. Cấu trúc và hình thức của văn bản Chương trình cần phù hợp với cấu trúc của chương trình mang tính chất khung. Cần cấu trúc mục riêng để chỉ rõ quan điểm của Chương trình GDMN và điều kiện thực hiện Chương trình. Mục tiêu của lĩnh vực phát triển nhận thức còn thấp so với nhu cầu, khả năng của trẻ trên thực tế; nên bổ sung thêm mục tiêu về các năng lực kĩ năng xã hội.

Trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Nội dung chưa thể hiện việc cần đảm bảo nội dung có tính mở để khuyến khích các địa phương phát triển Chương trình phù hợp. Thực tế cho thấy cần bổ sung nội dung phòng chống biến đổi khí hậu, kĩ năng thích ứng; nội dung giáo dục lĩnh vực phát triển thẩm mỹ chưa phong phú, bổ sung thêm nội dung giáo dục thẩm mỹ ở các hoạt động nghệ thuật khác: kịch, văn học (thơ truyện...).

Cũng như vậy kế hoạch thực hiện, thời gian thực hiện chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ hiện nay đang nhiều hơn số giờ lao động của giáo viên theo Luật Lao động và Thời gian đón trả trẻ chưa hợp lý. Chế độ sinh hoạt cần có tính mở để địa phương có thể linh hoạt theo tình hình thực tế vùng miền.

Cần có sự đổi thay

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng theo mục tiêu tổng quát: phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, tài năng để xây dựng và bảo vệ đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu, chỉ tiêu phát triển GDMN với nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó có xây dựng Chương trình GDMN mới “theo tiếp cận năng lực”, chú trọng giáo dục các giá trị nhân văn cốt lõi của con người Việt Nam, phù hợp với độ tuổi mầm non.

Chương trình GDMN mới được xây dựng kế thừa những ưu điểm của Chương trình GDMN hiện hành.

Chương trình GDMN mới được xây dựng kế thừa những ưu điểm của Chương trình GDMN hiện hành.

Thực tế đó đặt ra Chương trình GDMN mới phải xây dựng kế thừa những ưu điểm của Chương trình GDMN trước đây, vận dụng thành tựu đổi mới Chương trình GDMN trên thế giới phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Chương trình GDMN thể hiện mục tiêu GDMN, làm căn cứ cho việc quản lí, chỉ đạo, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm an toàn và giáo dục trẻ em mầm non trên phạm vi cả nước; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng cho cả hệ thống và từng cơ sở GDMN.

Chương trình GDMN được xây dựng theo tiếp cận năng lực, thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, hoà nhập, lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm, thiên hướng của từng em, phát triển tiềm năng sáng tạo của mỗi trẻ em với tư cách là chủ thể trong quan hệ với bản thân, với trẻ em khác, người lớn và thế giới xung quanh. Chương trình bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, liên thông với Chương trình GDPT cấp Tiểu học.

Chương trình GDMN là chương trình khung, có tính chất mở, quy định những nội dung giáo dục cốt lõi áp dụng đối với mọi trẻ em mầm non, đồng thời trao quyền chủ động cho địa phương, cơ sở GDMN phát triển chương trình và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ em, bối cảnh văn hoá của địa phương và điều kiện thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ