Chương trình GDPT 2018: Hiểu đúng mới có thể chỉ đạo, triển khai đúng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chủ biên Chương trình môn Vật lí đưa ra một số giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018...

Cô và trò Trường THCS Ái Mỗ tại phòng truyền thống. Ảnh: NTCC
Cô và trò Trường THCS Ái Mỗ tại phòng truyền thống. Ảnh: NTCC

Lưu ý trong tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - Chủ biên Chương trình môn Vật lí - đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Phẩm chất, năng lực phát triển ở hoạt động

- Từ thực tiễn triển khai Chương trình GDPT 2018, ông có lưu ý gì trong tổ chức dạy học để có thể đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học?

“Dù nội dung chương trình GDPT có tiến bộ đến đâu đi nữa nhưng để thực hiện thành công cần có sự chỉ đạo đồng bộ từ các cấp lãnh đạo và quản lí giáo dục; đặc biệt là sự vào cuộc của hệ thống chính trị vì như đã nói, từ trước đến nay, chúng ta quen với việc dạy học theo SGK, dạy học theo chương trình GDPT là hoàn toàn mới và chưa có tiền lệ ở nước ta”. - PGS.TS Nguyễn Văn Khánh

- Mục đích giáo dục trong Chương trình GDPT 2018 không phải chỉ để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, bước đầu giải quyết được các vấn đề phù hợp trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức, kĩ năng đã học.

Tức là, thông qua những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Kết hợp phát triển các năng lực chung (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) với phát triển các năng lực đặc thù; kết hợp phát triển năng lực với phát triển phẩm chất. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục.

Các chương trình môn học trong Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực người học. Năng lực được hiểu theo nghĩa là “thuộc tính cá nhân hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.

Theo định nghĩa năng lực này, kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… là nguyên liệu đầu vào giúp người học hình thành, phát triển năng lực. Hơn nữa, các nguyên liệu đầu vào phải được kết hợp một cách khoa học thì mới tạo điều kiện cho người học hình thành, phát triển năng lực, tức là biến điều được học thành cái của bản thân. Dạy nhồi nhét kiến thức thì chưa chắc học sinh đã nhận thức và thể hiện được điều đã học, nói gì đến hình thành, phát triển năng lực.

Trong các chương trình môn học, hệ thống kiến thức không phải là mục tiêu hướng đến, mà là phương tiện để đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực, trong đó trực tiếp là năng lực mà môn học được giao chịu trách nhiệm chính.

Điều này đồng nghĩa mục đích của dạy học không phải để trang bị thật nhiều kiến thức, giải thật nhiều bài tập khó, mà là nhận thức được bản chất hiện tượng, áp dụng các kiến thức, kĩ năng đã học. Nói cách khác, chương trình môn học không chỉ quan tâm đến các chất liệu (kiến thức, kĩ năng, thái độ...), mà quan trọng hơn là sự kết hợp chúng thế nào để có thể hình thành và phát triển được năng lực người học. Khi người học đạt được năng lực cũng là đạt được kiến thức, kĩ năng một cách tối ưu nhất.

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh.

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh.

Phẩm chất, năng lực chỉ có thể phát triển và thể hiện ra ở hoạt động. Vì thế, nếu dạy học mà không tổ chức được hoạt động học để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện kĩ năng thì kiến thức, kĩ năng của bài học cũng không thể biến thành tri thức của học sinh; đặc biệt là cũng không thể góp phần hình thành phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của người học.

Cùng một kiến thức khoa học cốt lõi nhưng việc tổ chức dạy học khác nhau sẽ góp phần phát triển phẩm chất và năng lực một cách khác nhau. Có thể hình dung điều đó qua ví dụ về dạy học gia tốc rơi tự do (kí hiệu là g) như trình bày sau đây.

Nếu dạy học bằng thuyết trình thì học sinh có thể chỉ nhớ được định nghĩa và giá trị của nó (chẳng hạn là g = 9,8m/s2).

Còn khi tổ chức để học sinh đo được gia tốc rơi tự do bằng dụng cụ thực hành thì các em được tự chiếm lĩnh kiến thức nên nhận thức sâu sắc hơn; đồng thời, có thể giúp học sinh hình thành phát triển phẩm chất chủ yếu (như trung thực vì có những học sinh không thực sự làm thí nghiệm mà lấy số liệu của bạn khác).

Nếu muốn góp phần vào việc phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác thì phải tổ chức để học sinh đo theo nhóm, vì chỉ qua hoạt động nhóm thì học sinh mới hình thành, phát triển được năng lực giao tiếp và hợp tác.

Có thể góp phần giúp học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo qua việc tổ chức hoạt động đo với mức độ hướng dẫn đầy đủ hay để học sinh tự thực hiện một phần hoặc tất cả các bước đo. Đây là cách được áp dụng để dạy ở các lớp học sinh giỏi, hoặc bồi dưỡng đội tuyển quốc gia.

Như vậy, khi thiết kế mỗi bài học, giáo viên phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt (được quy định ở chương trình môn học) và điều kiện thực tế để tìm cho được biểu hiện của phẩm chất, năng lực mà bài học đó cần góp phần phát triển, tổ chức cho được hoạt động học của học sinh, sao cho qua hoạt động này góp phần vào việc phát triển biểu hiện đã chọn.

Cô trò Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Đánh giá dựa vào các yêu cầu cần đạt

- Cùng với việc tổ chức dạy học, ông có lưu ý gì trong kiểm tra, đánh giá khi triển khai Chương trình GDPT 2018?

- Trước hết cần hiểu, mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, khách quan, có giá trị, kịp thời về mức độ đạt chuẩn quy định ở Chương trình GDPT của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình giáo dục, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Căn cứ để đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn học. Đối tượng để đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Chú ý rằng từ trước đến nay, chúng ta chú trọng đánh giá sản phẩm mà chưa coi trọng đúng mức đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Để giúp người học phát triển phẩm chất, năng lực thì điều quan trọng, không thể coi nhẹ là đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Hình thức đánh giá này do giáo viên tổ chức, có sự phối hợp đánh giá của giáo viên với cha mẹ cũng như bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, lớp.

Xin nhấn mạnh, kiến thức, kĩ năng, các thuộc tính cá nhân là nguyên liệu để hình thành phẩm chất, năng lực người học. Điều này có thể hiểu thô là cũng như cơm ăn, nước uống là nguyên liệu để có sức khỏe.

Khi kiểm tra, đánh giá sức khỏe, phải dựa trên các tiêu chí cụ thể (ví dụ: Số đo chiều cao, khối lượng, tim, phổi...), không ai dựa vào khối lượng thức ăn. Cũng như vậy, khi đánh giá kết quả giáo dục, phải dựa vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực đã được quy định ở chương trình GDPT, chứ không phải đánh giá khối lượng kiến thức. Hiện nay, chúng ta vẫn ngộ nhận thi và kiểm tra trong giáo dục là nhằm đánh giá kiến thức.

Trong Chương trình tổng thể và các chương trình môn học đều có quy định chi tiết yêu cầu mà học sinh cần đạt về phẩm chất và năng lực. Vấn đề còn lại là khâu tổ chức kiểm tra đánh giá của các cấp quản lí giáo dục.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thấu hiểu tinh thần đổi mới

- Sau 3 năm học triển khai Chương trình GDPT 2018, theo ông, những vấn đề quan trọng nào cần được quan tâm để tiếp tục triển khai tốt Chương trình trong giai đoạn tiếp theo?

- Điều quan trọng đầu tiên, theo tôi là cần thấu hiểu tinh thần đổi mới theo Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội. Hiểu đúng mới có thể chỉ đạo, triển khai đúng. Cùng đó, các địa phương phải quan tâm đúng mức, bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới, theo đúng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Các cấp quản lý giáo dục chỉ đạo và hỗ trợ các trường thực hiện việc phân hóa ở cấp THPT theo đúng tinh thần hướng nghiệp, không thực hiện phân ban để thi đại học. Có thể xây dựng một số mô hình làm mẫu để phổ biến và hướng dẫn cách làm cụ thể cho các trường. Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các trường.

Nhà nước quản lý chất lượng SGK thông qua các hội đồng thẩm định chuyên môn được chọn lựa kỹ càng. Để có SGK có chất lượng thì cách làm hiện nay đang đúng, vì tạo được cơ chế cạnh tranh trong việc viết SGK; giới thiệu công khai các bộ SGK ngay khi còn là bản thảo, góp phần tạo thêm động lực khiến đội ngũ làm SGK cho ra đời những cuốn sách tốt hơn.

Nếu chỉ có một bộ SGK duy nhất thì sẽ có thể rơi vào tình trạng tác giả SGK chưa chắc là người phù hợp nhất và nhất là không tận dụng được trí tuệ của nhiều người giỏi khác. Mặt khác, còn không tránh khỏi việc độc quyền như các hàng hóa khác.

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên và nhất là đội ngũ quán lí giáo dục vì đây là những người trực tiếp thực hiện chương trình GDPT. Việc tập huấn giáo viên cần được triển khai đại trà và thường xuyên để giúp đội ngũ này nhanh chóng làm quen với dạy học theo chương trình GDPT vì họ đang có thói quen dạy theo SGK và chủ yếu sử dụng hình thức thuyết trình mà ít tổ chức dạy học bằng các hoạt động học của học sinh cũng như các hoạt động giáo dục tích cực. Tăng cường hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và mô hình tốt/cách làm hay giữa các trường.

- Nếu chọn một giải pháp căn bản, đâu sẽ là phương án ông lựa chọn để tác động đến hiệu quả triển khai chương trình mới?

- Do đặc thù ở nước ta, tư tưởng học để thi rất nặng nề và chi phối mọi hoạt động của nhà trường nên muốn thay đổi chất lượng giáo dục phải bắt đầu bằng việc thay đổi hình thức thi. Phải thiết kế nội dung và hình thức thi sao cho đánh giá được phẩm chất và năng lực mà học sinh cần đạt được trong học tập và rèn luyện ở trường phổ thông. Từ đây sẽ tác động ngược trở lại việc dạy và học vì thi cái gì thì các trường sẽ dạy và luyện cho học sinh như thế.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội, để làm cho việc dạy và học theo đúng nghĩa, cần thực hiện hai đổi mới sau đây về kiểm tra đánh giá trong GDPT:

Một là, thực hiện đúng mức đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Ngoài những tác động về giáo dục như đã được thừa nhận cả về lí luận và thực tiễn, việc này còn góp phần tránh học tài thi phận, đánh giá được các kĩ năng không thể hiện được qua các cuộc thi như năng lực lãnh đạo, hợp tác, làm việc nhóm…

Hai là, cải tiến hình thức thi để có thể đánh giá đầy đủ năng lực người học; Không áp dụng duy nhất hình thức thi trắc nghiệm khách quan lựa chọn một trong bốn phương án trả lời.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Chương trình GDPT 2018 có nhiều tiến bộ vượt trội so với những chương trình GDPT trước đó. Khác với những chương trình GDPT trước đây đều thể hiện mục đích là học để “biết”, mục đích học tập ở Chương trình GDPT 2018 là học không chỉ để biết mà cao hơn là để “làm”.

Một số điểm vượt trội tiêu biểu nhất của Chương trình GDPT 2018: Là chương trình giáo dục phát triển năng lực; nội dung dạy học có tính mở; lần đầu tiên phân định rõ cấp học giáo dục định hướng nghề nghiệp; chú trọng giáo dục toàn diện con người; trả lại thực chất của việc dạy học; sát với thực tiễn và khả thi. - PGS.TS Nguyễn Văn Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ