Giảng dạy hiệu quả môn Đạo đức cho học sinh lớp 1 theo chương trình GDPT 2018

GD&TĐ - Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình GDPT mới 2018. Các trường tiểu học thuộc Quận Tân Phú (TPHCM) đã tìm tòi, nghiên cứu nhiều biện pháp để giảng dạy môn Đạo đức lớp 1 một cách có hiệu quả.

Học sinh Trường Tiểu học Âu Cơ, Quận Tân Phú trong giờ học Đạo đức. Ảnh minh hoạ
Học sinh Trường Tiểu học Âu Cơ, Quận Tân Phú trong giờ học Đạo đức. Ảnh minh hoạ

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, Phòng GD-ĐT Quận Tân Phú, TP.HCM đã luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát hoạt động giảng dạy môn Đạo đức theo Chương trình GDPT 2018, kết hợp lồng ghép giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và giáo dục địa lý địa phương đến các trường tiểu học trên địa bàn quận.

Về tổ chức giảng dạy môn Đạo đức lớp 1

Phòng GD-ĐT chỉ đạo nghiên cứu các văn bản, Chương trình GDPT 2018, triển khai  theo hình thức trực tuyến. Ở các trường Ban giám hiệu nhà trường thành lập các nhóm giáo viên trên ứng dụng viber, zalo để kịp thời triển khai văn bản  cũng như ghi nhận những băn khoăn, thắc mắc  để có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn tháo gỡ kịp thời.

Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên trong việc tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động nghiên cứu kĩ về mục tiêu chương trình, nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt của môn Đạo đức lớp 1.

Mỗi giáo viên tự soạn phân phối chương trình theo tuần ở từng bài cho phù hợp với đặc điểm tình hình học sinh của lớp.

Học sinh trong tiết Đạo đức 1
Học sinh trong tiết Đạo đức 1

Qua quá trình tìm hiểu và thực hiện, giáo viên từng bước tiếp cận, nắm được nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt của môn Đạo đức lớp 1, nhìn ra được khó khăn và thuận lợi, cũng như chủ động tháo gỡ khó khăn dựa vào kinh nghiệm bản thân, tham khảo tài liệu (sách giáo viên, thiết kế bài giảng,…) và trao đổi với đồng nghiệp.

Phòng cũng đã tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu duyệt Kế hoạch bài dạy; Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên góp ý tiết dạy minh họa và đi cơ sở định hướng chuyên môn.

Đặc biệt, Phòng GD-ĐT Quận Tân Phú đã khai thác hiệu quả các nội dung trong sách giáo khoa, sách GV, thiết kế bài giảng, vở Bài tập và các nguồn tài nguyên số.

Đơn cử như, về SGK Đạo đức lớp 1 (Bộ Chân trời sáng tạo) đã triển khai cho các trường tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, nắm vững triết lí, cấu trúc biên soạn, nội dung sách giáo khoa Đạo đức lớp 1. Trong đó, nội dung sách được chia thành 8 chủ đề, chia làm 14 bài. Trong mỗi bài đạo đức đều có các hoạt động Khám phá, Thảo luận, Chia sẻ, Luyện tập và Thực hành.

Trong mỗi hoạt động đều có các hình ảnh, có tác dụng minh hoạ, làm điểm tựa cho học sinh. Học sinh dựa vào đó khám phá, bật ra các chuẩn mực, hành vi đạo đức cần thiết.

Bên cạnh các tranh đơn, điểm mới trong sách giáo khoa Đạo đức lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018 là chuỗi tranh kép, minh hoạ rõ hơn diễn biến, trình tự diễn ra một tình huống, giúp học sinh hình dung rõ nét hơn, khắc sâu hơn, khơi gợi cho học sinh cách xử lý tình huống cụ thể, thiết thực, khả thi, hiệu quả hơn.

Chính vì vậy, giáo viên cần chú ý quan sát thật kỹ hình ảnh trong tranh để khai thác hết nội dung tranh, đẩy mạnh tính giáo dục đến học sinh.

Khi giảng dạy giáo viên đã thể hiện hài hòa, hợp lí hai mạch giáo dục đạo đức và giáo dục kĩ năng sống.

Giáo viên khối lớp 1 Trường TH Huỳnh Văn Chính họp chuyên môn, nghiên cứu tài liệu. Ảnh minh hoạ
Giáo viên khối lớp 1 Trường TH Huỳnh Văn Chính họp chuyên môn, nghiên cứu tài liệu. Ảnh minh hoạ 

Phòng cũng hướng dẫn sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học theo Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT, làm thêm, kế thừa các đồ dùng có sẵn, chú trọng phát huy vai trò của kênh hình... đảm bảo các hoạt động Thảo luận; Chia sẻ; Luyện tập; Thực hành; Tiếp nối luôn sinh động, lôi cuốn. Giáo viên sử dụng công nghệ thông tin, sưu tầm thêm một số clip phù hợp…  

Về sử dụngnguồn tài nguyên số, chỉ đạo các trường, giúp giáo viên sử dụng các học liệu điện tử được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung cấp (Sách điện tử, các bài Powerpoint, tiết dạy minh họa, Bài tập thực hành,…). Bên cạnh đó, giáo viên có thể sử dụng các bài giảng trên phần mềm Smartschool.

Về sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong dạy môn Đạo đức:

 Giáo viên đã căn cứ vào tình hình lớp học, tình hình học sinh cần thực hiện các phương pháp dạy học tích cực và tổ chức dạy học sao cho phù hợp. Cụ thể như Phương pháp thảo luận nhóm; Phương pháp đóng vai; Phương pháp trò chơi; Phương pháp đàm thoại; Phương pháp nêu gương.

Thực hiện các hoạt động bài dạy: Hoạt động Khởi động kết hợp với các  bài hát, đọc thơ; Hoạt động Khám phá thông qua thảo luận nhóm; Hoạt động Luyện tập thông qua giải quyết tình huống; Hoạt động thực hành thông qua thực tiễn, trải nghiệm (HS thực hành chuẩn mực đạo đức).

Tích hợp GD những phẩm chất Đạo đức tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Việc thực hiện sự kết hợp thiết kế bài dạy với mức độ tích hợp giáo dục những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi dạy môn Đạo đức đã góp phần giáo dục học sinh biết hình thành những hành vi, chuẩn mực đạo đức đạt hiệu quả. Giáo viên có thể đưa nhiều hình thức: kể chuyện, đọc thơ, xem đoạn phim ngắn, múa hát về Bác vào giảng dạy giáo dục.

Xem ví dụ cụ thể Tại đây

Học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính, Quận Tân Phú trong giờ học. Ảnh minh hoạ
Học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính, Quận Tân Phú trong giờ học. Ảnh minh hoạ 

Về lồng ghép GD địa phương, các trường lồng ghép giáo dục địa phương theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP, Phòng GD-ĐT Quận Tân Phú.Cụ thể:

Chủ đề 1: Quê hương em (TP.HCM năng động - hiện đại - nghĩa tình).

Chủ đề 2: Danh nhân lịch sử - văn hóa (Nguyễn Hữu Cảnh – tiền nhân mở cõi);

Chủ đề 3: Nghệ thuật và làng nghề truyền thống (Làng hoa Gò Vấp);

Chủ đề 4: Đặc sản địa phương (Các món ăn quen thuộc ở TP.HCM);

Chủ đề 5: Di tích lịch - sử văn hóa (Bảo tàng lịch sử TP.HCM);

Chủ đề 6: Văn hóa ứng xử (Gia đình em).

Cán bộ quản lý, giáo viên thông qua các cuộc họp khối chuyên môn của các trường bàn bạc, lựa chọn các chủ đề phù hợp để lồng ghép trong các tiết dạy Đạo đức như:

Bài 1: Mái ấm  gia đình; lồng ghép Chủ đề 6: Văn hóa ứng xử (Gia đình em), giáo viên giúp học sinh hiểu: “Xây dựng hạnh phúc cho mọi người trong gia đình nhằm góp phần xây dựng văn hóa của địa phương, của Thành phố, của đất nước”.

Hay bài 10: Cùng thực hiện nội quy trường, lớp; lồng ghép Chủ đề 1: Quê hương em - TP.HCM năng động - hiện đại – nghĩa tình.

Qua đó, giáo viên giúp học sinh hiểu: “Phải trung thực, cầu tiến, giản dị, khiêm tốn, đối với thầy cô giáo phải kính trọng, biết ơn, đối với bạn bè phải đoàn kết, thân ái, phải biết kính trên, nhường dưới”.

Học sinh khởi động trước khi vào bài học. Ảnh minh hoạ
Học sinh khởi động trước khi vào bài học. Ảnh minh hoạ

Chuyên đề nói trên sẽ giúp học sinh có trách nhiệm đối với bản thân, với những người xung quanh, với môi trường; có hiểu biết về lời Bác Hồ dạy, làm theo tấm gương của Bác; biết nhận xét và ứng dụng vào đời sống thực tiễn qua giáo dục địa phương.

Giải quyết vấn đề và lựa chọn đúng những việc nên làm và không nên làm đối với bản thân. HS nhận thức tốt hơn và có hành vi tự giác rèn luyện các thói quen tốt, biết điều chỉnh những thói quen không tốt, thực hiện những việc nên làm trong học tập, trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ