CNTT giờ đây không chỉ là công cụ, mà còn là giải pháp tạo bước tiến mới cho GD-ĐT.
Nền tảng cho phát triển
Theo thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội), “Gốc kiến thức – Sức công nghệ” là quan điểm về vai trò của CNTT của lãnh đạo, đội ngũ GV nhà trường. Ứng dụng CNTT đã tạo sức mạnh cho những bước tiến mạnh mẽ trong quản lý và dạy học. CNTT không thể thay thế hoàn toàn việc tích lũy kiến thức; chỉ hỗ trợ chứ không thể thay con người khả năng phân tích các vấn đề chính họ gặp phải. Và nhất là CNTT không thể thay tâm huyết và tấm lòng của người làm thầy với học trò giữa thời mà dạy người cần như dạy chữ.
Nhưng CNTT đã và đang không ngừng tiếp sức cho dạy chữ - dạy người thực sự thành công và hiệu quả trong từng giây, từng phút. “Vì vậy, nếu đánh giá về tâm huyết và sáng tạo của một người thầy, đặc biệt là GV ở thành phố, việc ứng dụng CNTT hợp lý và hiệu quả là một trong những tiêu chí quan trọng nhất” - thầy Nhâm nhận định.
Năm 2008, khi vai trò của CNTT với dạy học và các mặt trong đời sống chưa được quan tâm thỏa đáng, Trường THPT Phan Huy Chú đã vận hành một cách mạnh mẽ, tự chọn con đường khó nhọc để đi trước, chấp nhận cả những vấp váp ban đầu. Trường đã trang bị tài khoản bản quyền Office 365 của Microsoft cho toàn thể cán bộ, GV, NV, HS cùng cha mẹ học sinh. Nhờ đó, việc cập nhật những tiến bộ của công nghệ đã góp phần “nâng bậc” cho GV, HS và lan tỏa đến đông đảo phụ huynh học sinh.
Thầy Nhâm chia sẻ: Điều chúng tôi rút ra, CNTT không chỉ là phương tiện mà là giải pháp. Giải pháp vượt khó khăn dịch bệnh, giải quyết mọi khúc mắc, nguồn kiến thức không ngừng cập nhật và kết nối sâu về chuyên môn.
Hình thành trường học thông minh
Cô Lê Quỳnh Nga – Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm nhận xét: CNTT đã đạt đến công nghệ 4.0 và việc ứng dụng công nghệ này là một trong những giải pháp hữu hiệu với con người hiện đại. Muốn ứng dụng công nghệ thông minh, để đào tạo con người thông minh cần phải có một môi trường thông minh, đó chính là trường học.
“Trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội” - cô Nga chia sẻ.
Trường học thông minh sẽ là môi trường đào tạo mang tính mở, nơi phát triển và định hướng cho HS theo năng lực cá nhân. HS tự giác và chủ động trong việc tìm tòi khám phá kiến thức một cách nhanh nhất, phát triển trí tưởng tượng phong phú, hình thành nhân cách con người hội tụ các phẩm chất đức - trí - thể - mĩ - lao động.
Theo cô Nga, xây dựng hệ thống giáo dục thông minh là giải pháp đồng bộ cho sự phát triển tổng thể chương trình giáo dục liên thông từ mầm non đến trung học.
Trong đó, lớp học thông minh học tăng cường tính tương tác hai chiều giữa GV và HS, giúp các em tiếp nhận kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất; khuyến khích khả năng sáng tạo, phát triển tư duy logic, tạo hứng thú hăng say học tập.
Theo cô Nga, nếu như lớp học truyền thống, GV cần phấn và bảng để viết, HS cần giấy bút thì với sự giúp sức của CNTT sẽ mang lại mô hình hiện đại và đơn giản. GV tương tác trên màn hình lớn và mọi thứ sẽ được truyền về màn hình bé của HS sử dụng. Với giải pháp này, quá trình học trở nên đơn giản và trực quan hơn nhiều, tiết kiệm thời gian cho cả người dạy và người học, giúp việc học có thể diễn ra dễ dàng hơn, mọi lúc mọi nơi.
Tiếp đến là chương trình giáo dục thông minh với hệ thống các bài giảng trực tuyến sử dụng các phần mềm có tính năng tương thích với máy tính bảng, bảng tương tác. Chương trình giáo dục này mang lại nhiều tiện ích với GV trong tra cứu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, nâng cao kiến thức chuyên môn và lấy tư liệu hỗ trợ soạn giảng; Sử dụng các phần mềm hỗ trợ soạn giảng để tạo bài giảng điện tử; bài giảng trực tuyến và các phần mềm dựng phim, nhạc…
Trong chương trình giáo dục thông minh, GV có thể sử dụng các phần mềm hỗ trợ làm đề thi/kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của HS; sử dụng diễn đàn, email như một phương tiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với GV các trường bạn trong cả nước.
Cô Nga cho rằng: Chương trình giáo dục thông minh mang lại nhiều hiệu quả đối với HS. Trước đây, HS thường tiếp thu bài một cách thụ động, thu nhận kiến thức theo hướng 1 chiều, có những kiến thức hiểu chưa kĩ, chưa sâu HS cũng không dám hỏi GV, hoặc nếu có hỏi GV thì việc trả lời cho từng HS sẽ mất nhiều thời gian của cả tiết học; trong khi đó với việc sử dụng các bài giảng trực tuyến, HS hoàn toàn chủ động được việc tìm hiểu kiến thức và có thể tự kiểm tra khả năng học tập của mình ngay lập tức thông qua cách tính điểm trực tuyến.
Theo cô Nga, chương trình giáo dục thông minh còn mang lại điều kì diệu đối với HS khuyết tật. Chúng ta có thể tích hợp trong chương trình giáo dục thông minh phần bài giảng dành riêng cho HS khuyết tật thông qua nhận dạng bằng hình ảnh hoặc giọng nói…