Hải Phòng: Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Hải Phòng là địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Điểm cầu Hải Phòng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo.
Điểm cầu Hải Phòng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo.

Đột phá về chất lượng

Trường Tiểu học Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên) là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy đem lại hiệu quả giáo dục cao được lãnh đạo ngành giáo dục ghi nhận. Nhiều GV của trường chủ động với bài dạy, tài liệu sử dụng CNTT, tham gia soạn bài giảng e-Learning, thiết kế các hoạt động giáo dục bằng CNTT, xây dựng lớp học thông minh qua dữ liệu ngành…

Cô giáo Vũ Thị Thảo, GV lớp 3 Trường Tiểu học Núi Đèo cho biết: Việc số hóa bài giảng mang lại cho GV cơ hội trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy học. Mở rộng không gian học tập ngoài lớp học truyền thốn khiến HS thêm hào hứng, đem lại hiệu quả giáo dục. Đặc biệt, thời gian toàn ngành thực hiện giãn cách xã hội theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, lợi ích từ việc ứng dụng CNTT mang lại trong hoạt động giáo dục là rất lớn.

Cô giáo Vũ Thị Thảo trao đổi cùng Báo GD&TĐ.
Cô giáo Vũ Thị Thảo trao đổi cùng Báo GD&TĐ.

Từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục giúp GV quản lý HS một cách khoa học, triển khai các hoạt động giáo dục hiệu quả hơn.

Nêu quan điểm về vấn đề này, cô giáo Vũ Thị Thảo chia sẻ: “Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục giúp chúng tôi quản lý thông tin lớp học, hồ sơ học sinh, năng lực, phẩm chất, điểm kiểm tra định kỳ đồng thời tự động lập các báo cáo tổng hợp hồ sơ học sinh, tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục một cách thuận tiện. Mỗi giáo viên chúng tôi đều thực hiện và thành thạo các việc đó.

Từ cách quản lý thông tin học sinh đến việc tổng hợp, báo cáo các hoạt động giáo dục với cơ quan quản lý một cách khoa học sẽ giúp chúng tôi nhàn hơn trong việc làm giấy tờ, sổ sách và có phương pháp giáo dục cụ thể, hiệu quả với từng học sinh. Đặc biệt, việc này còn giúp phụ huynh biết thông tin, tình hình học tập, hoạt động của con tại trường, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục con em mình”.

Trong việc đổi mới phương pháp dạy và học vai trò của CNTT đã thể hiện ngày một rõ nét với việc triển khai các giải pháp về lớp học điện tử, lớp học thông minh, xây dựng kho học liệu số, thư viện điện tử, sách giáo khoa điện tử, kho bài giảng e-learning dùng chung. Cô Thảo cho rằng, việc giao dịch, tập huấn trên môi trường mạng sẽ giúp cán bộ quản lý, giáo viên tiết kiệm thời gian, trao đổi công việc nhanh, hiệu quả, khoa học.

HS lớp cô Thảo trong giờ học Toán.
HS lớp cô Thảo trong giờ học Toán.

Phụ huynh đồng tình, HS hào hứng

Cô Vũ Thị Thảo là người đam mê công nghệ, ham học hỏi và có những sáng tạo trong các hoạt động dạy học bằng ứng dụng CNTT. Thời gian HS nghỉ học vì dịch Covid-19, bản thân cô giáo đã ứng dụng công nghệ thông tin dạy trực tuyến cho HS. Hướng dẫn phụ huynh cài phần mềm Zoom trên điện thoại và máy tính. Thiết kế bài giảng với kênh hình, kênh chữ, âm thanh sống động làm cho HS dễ thấy, dễ tiếp thu.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT là khả năng khai thác hệ tri thức Việt số hóa- kho học liệu để tiếp cận với những bài giảng, giáo trình điện tử.

Hoạt động tập thể của cô trò Trường Tiểu học Núi Đèo.
Hoạt động tập thể của cô trò Trường Tiểu học Núi Đèo.

Kho học liệu trực tuyến có nhiều tài liệu tham khảo, bài giảng hay, sinh động tạo hứng thú cho HS. Cách làm này giúp bản thân cô Thảo cũng như nhiều đồng nghiệp tiết kiệm được thời gian hoàn thành kế hoạch của mình.

Qua thực tế giảng dạy, cô Thảo cho rằng, ứng dụng CNTT giúp GV thỏa sức sáng tạo, chủ động trong việc lập kế hoạch giảng dạy và kiến tạo tri thức.

 “Các tiết học tôi đều thiết kế bài giảng điện tử cho HS, tìm các bài hát và trò chơi liên quan đến bài học, lên internet lấy hình ảnh theo đúng chủ đề bài dạy, tự làm video. HS chủ động tiếp thu một cách hứng thú, tương tác tích cực với GV. Việc tăng cường khả năng tìm kiếm thông tin trong bài học giúp các em dễ dàng làm quen với các hình thức tự học như học online, học qua cầu truyền hình”, cô Thảo cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ