Chung tay vì học trò ở ngôi trường huyện miền núi Lương Sơn

GD&TĐ - Cùng với việc giảng dạy, các thầy cô ở Trường TH&THCS Cửu Long còn chung tay giúp đỡ để các em có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường.

Một tiết học của cô trò Trường TH&THCS Cửu Long. Ảnh NT.
Một tiết học của cô trò Trường TH&THCS Cửu Long. Ảnh NT.

Không có học sinh bỏ học

Với tổng số học sinh trong năm học 2022-2023 là 1489 học sinh, trong đó gần một phần ba là học sinh dân tộc Mường, Trường TH&THCS Cửu Long, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã tìm mọi giải pháp để không em học sinh nào phải bỏ học.

Cô Chu Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết : “Đầu mỗi năm học chúng tôi sẽ khảo sát để biết được hoàn cảnh của mỗi em. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường sẽ phối kết hợp Hội Cha mẹ học sinh để có cách giúp đỡ các em khó khăn an tâm, nỗ lực học tập, rèn luyện vươn lên.

Bên cạnh đó, hàng năm nhà trường còn tổ chức các phong trào như: “Nghìn việc tốt”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Bạn giúp bạn” “Vì bạn nghèo đón tết”.

Cũng theo cô Hằng, tất cả số tiền quyên góp được nhà trường sẽ tổ chức trao tặng đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm hỗ trợ cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật như tiền mặt, đồ dùng học tập, sách vở, cặp sách.

Đơn cử, Tết Nguyên đán 2022, nhà trường đã trao 26 suất quà gồm tiền mặt và quà đến 26 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của nhà trường.

Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây, tại Trường TH&THCS Cửu Long không có học sinh bỏ học hay học sinh cá biệt. Công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ.

Theo tâm sự của học sinh Bùi Tuệ Minh, Trường TH&THCS Cửu Long: “Em và rất nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn đã được nhà trường, thầy cô giúp đỡ để an tâm học hành, không bị bỏ lại phía sau, chúng em cảm thấy rất vui, hạnh phúc và thoải mái mỗi khi tới trường”.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nhà trường hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả mạng xã hội facebook, youtube của cá nhân trong đăng tải thông tin.

Trường cũng tiếp tục xây dựng mô hình “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không bạo lực học đường”, góp phần xây dựng một môi trường văn minh, lành mạnh, học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động do nhà trường tổ chức.

“Tạo động lực cho học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui và để trường học thực sự là nơi giáo dục nhân cách tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Với những kết quả đã đạt được, thầy cô giáo và học sinh Trường TH&THCS Cửu Long tự hào hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)”, cô Hằng nói.

Hoạt động văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của học sinh Trường TH&THCS Cửu Long. Ảnh NT.

Hoạt động văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của học sinh Trường TH&THCS Cửu Long. Ảnh NT.

Sự nỗ lực của thầy cô giáo

Ngoài chú trọng vào công tác học tập và giảng dạy Trường TH&THCS Cửu Long còn chú trọng vào việc xây dựng “Lớp học hạnh phúc - Trường học hạnh phúc”.

Cô Hằng chia sẻ: “Do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi cũng như yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi cấp học có sự khác biệt đáng kể, phương pháp dạy cũng khác, lại bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên các em ít có thời gian, cơ hội gặp gỡ thầy cô, bạn bè trên lớp. Điều đó đã làm cho các em có tâm lý rụt rè, nhút nhát, nhiều em chưa tự tin.

Khi cuộc sống bình thường trở lại, nhà trường đặc biệt chú trọng vào việc giáo dục tâm lý cho học sinh, nhà trường thành lập tổ tư vấn tâm lý ngay từ đầu năm học.

Đồng thời, chúng tôi đa dạng các hình thức tư vấn như: tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, qua email hoặc nhắn tin trao đổi. Tổ tư vấn đã nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm, kịp thời tư vấn, ngăn chặn được nhiều sự việc xấu có thể xảy ra.

Mặt khác, lồng ghép trong các giờ lên lớp, hoạt động ngoài giờ để tuyên truyền cho các em học sinh về phòng chống đuối nước, an toàn giao thông, xâm hại tình dục...

Cô Hằng nói thêm: “Khi là một giáo viên, điều dễ dàng nhất với chúng ta đó là yêu học sinh, sẽ giúp chúng ta mang được những điều tốt đẹp vào bài giảng.

Chỉ cần nhìn vào học sinh, thầy cô sẽ thấy có động lực làm việc, thấy còn nhiều việc để làm có ý nghĩa.

Đặc biệt, quan điểm của chúng tôi về xây dựng nhà trường hạnh phúc là tất cả mọi người đều phải hạnh phúc thì mới có nhà trường hạnh phúc”.

Trường TH&THCS Cửu Long có 424/1516 học sinh dân tộc. Theo đó, trong quá trình học, tham gia các hoạt động giáo dục ngoại khóa, trải nghiệm nhà trường đặc biệt chú ý và quan tâm.

Bên cạnh đó, để học sinh duy trì được nét văn hóa của dân tộc mình, nhà trường cũng có những tiết học ngoại khóa tìm hiểu văn hóa địa phương, để các em trân trọng và giữ gìn những phong tục, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

"Với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, việc kết thân bạn bè để cùng nhau học tập và chia sẻ những khó khăn là vô cùng cần thiết. Bởi vì đây là giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách đối với các em. Theo đó nhiều năm qua, nhà trường còn tổ chức chương trình “Đôi bạn cùng tiến”.

Chương trình đã giúp 1 bộ phận học sinh tiến bộ trong học tập và rèn luyện, gắn kết với nhau để những em có học lực giỏi hỗ trợ cho các bạn có học lực yếu với phương châm “học thầy không tày học bạn” để cùng tiến bộ.

Phong trào cũng đã giáo dục tình yêu thương con người, học sinh biết chia sẻ, biết động viên, biết cảm thông với bạn bè của mình từ đó các em được bồi dưỡng lòng nhân ái và tương lai sẽ trở thành những công dân tốt", cô Hằng nói.

“Khi trong lớp phát hiện học sinh có nguy cơ bỏ học, hay kết quả học tập giảm sút, chúng tôi đã đến nhà tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của học sinh, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để động viên, giúp đỡ học sinh đó.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động cán bộ, giáo viên trong trường trích ngày lương và kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân vào chung tay giúp đỡ để các em bớt khó khăn, an tâm hơn trong học tập”, cô Lưu Thị Thanh Tuyền Tổng phụ trách đội - Trường TH&THCS Cửu Long chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ