Học sinh là một trong những nhóm có nguy cơ cao mắc Covid-19, nhất là khi năm học mới sắp bắt đầu.
Xử trí trong trường học
Virus SARS-CoV-2 vẫn là thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Khi trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ, trẻ nên được chăm sóc, điều trị tại nhà. Việc chăm sóc trẻ cần tuân theo hướng dẫn, tránh việc tự ý dùng thuốc. Người chăm sóc cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa ngay trẻ đến cơ sơ y tế.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi phụ huynh phát hiện trẻ có triệu chứng tại nhà thì cho trẻ nghỉ học và báo ngay cho nhà trường và cơ quan y tế để xử trí. Trường hợp khi phát hiện trẻ mắc Covid-19 tại trường học cần chuyển ngay trẻ bệnh (F0) xuống phòng cách ly tạm thời của trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế để cùng xử lý.
Đối với lớp có học sinh F0, cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ lớp đó và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Lớp có học sinh là F1 thì cho ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Giáo viên cần cập nhật các thông tin hướng dẫn xử trí theo điều chỉnh mới để có hướng giải quyết phù hợp với tình hình hiện nay.
Về chăm sóc, điều trị trẻ mắc Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em. Trong đó việc điều trị tại nhà ở trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ là chìa khóa nhằm giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết.
“Trong quá trình chăm sóc và điều trị Covid-19 cho trẻ tại nhà, cần chú ý việc sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C, uống thêm nước và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.... Không tự ý dùng thuốc chống viêm, chống đông khi không có ý kiến của bác sĩ”, bác sĩ Hương nói.
Người chăm sóc trẻ cũng cần lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng như thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, đầu chi, chi lạnh tái, nổi vân tím để đưa ngay trẻ đến cơ sơ y tế nhằm có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ.
Với trẻ sơ sinh nhiễm Covid-19, bác sĩ Hương khuyên rằng, đầu tiên cha mẹ cần đánh giá đúng tình trạng sốt cho trẻ bằng cách cặp nhiệt kế đo ở nách hoặc hậu môn. Trẻ bắt đầu sốt từ 38,5 độ C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt đường uống hoặc đường đặt hậu môn, tránh sốt quá cao nguy hiểm.
Thuốc hạ sốt có thể dùng cho trẻ sơ sinh là Paracetamol liều nhỏ 10 - 15 miligam cân nặng, dùng trong 4 - 6 giờ. Sau khoảng 1 - 2 giờ dùng thuốc, nếu trẻ hạ nhiệt xuống nghĩa là đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt. Nếu trẻ vẫn sốt thì tiếp tục theo dõi. Nếu không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì cần thông tin đến cán bộ y tế để được hướng dẫn.
Bên cạnh việc theo dõi nhiệt độ và hạ sốt cho trẻ, cần chú ý cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ và uống nước. Ngoài nước uống, có thể pha cho trẻ uống nước điện giải pha đúng hàm lượng. Lưu ý phải cho trẻ uống từ đúng, đúng hàm lượng mỗi 15 - 20 phút/lần để thuốc thấm tốt hơn, tránh gây nôn trớ cho trẻ sơ sinh.
“Trẻ sơ sinh bị Covid-19 và các triệu chứng bệnh thường bú kém đi. Mẹ không nên cố ép trẻ bú nhiều, thay vào đó nên cho trẻ bú nhiều lần, mỗi lần ít hơn bình thường. Khi đã kiểm soát tốt yếu tố nhiệt độ, dinh dưỡng và uống nước đầy đủ, hầu hết trẻ sơ sinh bị Covid-19 sẽ tiến triển bệnh tốt sau từ 24 - 48 giờ”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.
Không để bùng phát trở lại
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về tình hình trẻ em mắc Covid-19 của nước ta cho thấy, trẻ em dưới 18 tuổi mắc bệnh so với mắc chung toàn quốc có tỷ lệ là 19,2%, tử vong trẻ em là 0,42% so với tử vong chung. Trong đó, nhóm trẻ sơ sinh hay đang điều trị bệnh nền có nguy cơ tử vong cao nên cần đặc biệt chú ý.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu thời gian tới các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 để phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4.
Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch như xét nghiệm, cách ly, điều trị. Cùng với đó là công thức 2K là Khẩu trang, Khử khuẩn + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể về thực hiện 2K và các thành tố khác.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38 của Chính phủ. Chủ động, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra, kể cả khi dịch bùng phát trở lại.
Bộ Y tế rà soát, thống nhất các thuật ngữ trong truyền thông về tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp về quy trình, thủ tục nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước và các vắc-xin phòng bệnh khác để từng bước làm chủ công nghệ sản xuất trong nước tiên tiến, hiện đại.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới. Chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh.
Ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta. Đồng thời, rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị. Chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động.
Phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong. Tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành khác.
Bộ Y tế thực hiện đánh giá miễn dịch cộng đồng với Covid-19, bảo đảm chính xác, khoa học, hiệu quả để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp. Tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống các dịch bệnh khác. Bộ GD&ĐT triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống dịch và tiêm vắc-xin, bảo đảm khoa học, hiệu quả và an toàn phòng chống dịch bệnh.