Chứng chỉ thật nhưng kiến thức giả phải tuyệt đối tránh

GD&TĐ - Nhận thấy dạy 10 tín chỉ tiếng Anh trong 3 học kỳ như vẫn làm lâu nay, sinh viên khi ra trường "chữ thầy lại trả thầy", NGƯT.PGS.TS Phan Quang Thế - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên - đã "liều" cho các tân sinh viên nhập học năm nay học luôn 20 tín chỉ, tương đương 300 tiết tiếng Anh trong học kỳ đầu tiên.

Chứng chỉ thật nhưng kiến thức giả phải tuyệt đối tránh

Ông kỳ vọng gì ở cách đào tạo hoàn toàn khác so với truyền thống tổ chức dạy học tiếng Anh trong nhiều trường đại học từ trước tới nay mà nhà trường chuẩn bị áp dụng?

 NGƯT.PGS.TS Phan Quang Thế

- Bản chất của học tiếng Anh là bắt chước và thực hành, nếu học quá ít và không liên tục thì sẽ không đủ thời gian để tạo cảm hứng ngôn ngữ cho người học, sự học cho qua chuyện, cốt lấy đủ diểm khi thi sẽ là mục tiêu chính của sinh viên.

Trường chúng tôi từ trước đến nay vẫn dạy 10 tín chỉ tiếng Anh trong 3 học kỳ và đến khi ra trường chữ thầy trả lại thầy cả.

Mục tiêu của học cả 1 học kỳ với 20 tín chỉ tương đương 300 tiết là phải đưa sinh viên đạt tới “ngưỡng” nào đó của tiếng Anh.

Những sinh viên chưa học tiếng Anh hoặc đạt kết quả tiếng Anh kém ở bậc phổ thông thì phải tự chuẩn bị khoảng 5 tín chỉ vào buổi tối để đạt trình độ beginner trước khi học chương trình 20 tín chỉ cả một học kỳ này.

Nhưng sự chênh lệch của ngưỡng mà sinh viên đạt được phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của người thầy. Hơn nữa, ngưỡng càng cao thì thù lao trả cho thầy lại càng cao là thực tiễn không thể phủ nhận.

Có một điều rất lạ, học tiếng Anh do thầy cô dạy trong lớp thì không ít sinh viên hờ hững nhưng học tiếng Anh theo câu lạc bộ thì lại nhiệt huyết như người lính xung trận. Phải chăng các thầy cô giáo dạy tiếng Anh của chúng ta đang dạy cái mà mình có, không phải cái cốt lõi mà tiếng Anh cần?

- Điều này có thể đúng. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là chúng ta phải tạo ra được môi trường dùng tiếng Anh cho sinh viên mà trường chúng tôi đang áp dụng đó là ra bài tập và nhiệm vụ về nhà bằng tiếng Anh, ra thật nhiều, ít nhất 60 bài tập về nhà/tín chỉ.

Chúng ta dạy tiếng Anh không giống ai vì việc học tiếng Anh không đi đôi với dùng tiếng Anh trong học tập và giao tiếp như ở các nước khác.

Trong 20 tín chỉ dạy cho sinh viên cả một học kỳ có 10 tín chỉ tiếng Anh tăng cường thêm so với trước đây.

Chúng tôi trăn trở rất nhiều vì đây sẽ tạo ra sự thiếu hụt về kinh phí đến khoảng 2 tỷ đồng trên 1000 sinh viên.

Thực ra, đất nước chúng ta đã cho sinh viên rất nhiều với mức học phí thấp đến không tưởng.

Học phí của cả một chương trình học đại học 5 năm ở nước ta chẳng đủ để trả cho việc học 2 tín chỉ đại học ở Hoa Kỳ.

Chúng tôi đã quyết định chia sẻ khó khăn với đất nước và với người học để góp phần làm cho đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của đất nước thành công là tặng cho tân sinh viên nhập học 2014 10 tín chỉ học tiếng Anh miễn phí.

Việc “khắt khe” trong đào tạo, đánh giá trình độ ngoại ngữ của sinh viên trong trường có tác động trở lại như thế nào đối với chất lượng dạy học nói chung, trong đó có những chương trình cần đến tiếng Anh nhiều như chương trình tiên tiến và các chương trình liên kết đào tạo?

- Điều này thì khỏi phải bàn, “khi học thêm một ngoại ngữ là biết thêm một cuộc đời” như một nhà văn Xô viết đã nói.

Tiếng Anh không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với thế giới hiện đại rất nhanh và chính xác mà còn làm thay đổi những tư duy bảo thủ truyền từ đời này sang đời khác đó là chỉ biết làm theo thói quen, đi theo lối mòn.

Không có máy bay chúng ta vẫn có thể đến được Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chắc chắn phải mất vài ngày thay cho 2 giờ.

Những phát minh, sáng chế không thể bắt nguồn từ những suy nghĩ bình thường hàng ngày, mà phải từ suy nghĩ, tư duy đột phá có thể còn như là ngớ ngẩn.

Khi làm bất cứ một việc gì đó nếu biết tư duy đúng nguyên tắc, đúng nguyên lý từ những cái bản chất, những cái cốt lõi, thì không chỉ chắc chắn sẽ thành công mà còn giảm được biết bao thời gian mò mẫn.

Khi học và dùng tiếng Anh thật sự chúng ta sẽ học được kiểu tư duy này mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương.

Có nhiều người nói “cần gì phải học ngoại ngữ, khi cần thiếu gì phiên dịch” và nếu hiểu như thế thì các chương trình tiên tiến, liên kết đào tạo quốc tế tốt nhất là bỏ đi vì “thiếu gì phiên dịch”.

Họ quên mất một điều là kể cả với tiếng Việt không có chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu thì bản thân người đọc cũng đâu có hiểu được gì.

Khắt khe trong đào tạo là nguyên tắc của chất lượng đâu phải riêng đối với ngoại ngữ. Đánh giá đúng trình độ ngoại ngữ của sinh viên tại mỗi thời điểm có lẽ quan trọng hơn đánh giá “khắt khe” bởi vì điều đó làm họ không kiêu cũng không chán nản trong học ngoại ngữ cả đời. Chứng chỉ thật nhưng kiến thức giả phải tuyệt đối tránh.

Tôi cho rằng, đã đến lúc Đảng và Nhà nước phải tổ chức phòng trào: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải dựa trên sáng tạo công nghệ mới của người Việt Nam” thì chắc chắn việc học ngoại ngữ và sử dụng ngoại ngữ sẽ trở thành yêu cầu thiết thực cho mỗi kỹ sư, trí thức của đất nước.

Quay lại một thực tế hiện nay, rất nhiều sinh viên “mắc” chuẩn đầu ra về ngoại ngữ trước khi ra trường, theo ông, nguyên nhân của thực trạng này là do đâu?

- Khái niệm “chuẩn đầu ra” về ngoại ngữ là một thuật ngữ tương đối mới ở nước ta nhưng với phương Tây thì đã thành thói quen. Mọi việc họ làm đều rất bài bản, chuyên nghiệp không tùy tiện.

Chính vì không lường hết cái khó của nó và nghĩ rằng có thể đạt được qua nhiều con đường khác nhau như khi tham gia giao thông tùy tiện chứ không phải đơn thuần là học một cách nghiêm túc, nên khi điều kiện để đạt chuẩn được đặt ra một cách nghiêm túc thì sinh viên bị “mắc”.

Hơn nữa, các nhà trường khi ban hành chuẩn tiếng Anh, không có những hướng dẫn cũng như giúp đỡ sinh viên đạt chuẩn.

Thực ra không phải bây giờ mà từ những năm 1970 chúng tôi cũng được dạy tiếng Nga phổ biến trong các trường đại học. Tuy ngày đó chuẩn đầu ra không cao nhưng việc đánh giá nghiêm túc và cũng đủ để dùng ở thời bấy giờ.

Còn ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo ra công nghệ mới chứ không phải đi mua, đi vay mượn ở nước ngoài thì chuẩn đầu ra tiếng Anh của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 với sinh viên thực sự chỉ mới bước đầu đáp ứng được yêu cầu đó, làm cơ sở cho sinh viên tiếp tục học sau khi tốt nghiệp.

Chúng ta cũng không có cách nào khác là đào tạo phổ biến, nhưng có một điều không phải chỉ trong lớp học mà phải tạo ra môi trường học và dùng ngoại ngữ trong nhà trường.

Nhược điểm lớn nhất là chúng ta không có đủ giảng viên ngoại ngữ có trình độ cao như ở nước ngoài và vì kinh phí hạn hẹp nên quy mô sinh viên của lớp lớn.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ