Đó là một trong những cách làm sáng tạo, đột phá và kiên quyết của lãnh đạo trường này, trả lời cho nhiều ngạc nhiên trước sự thành công đáng ngưỡng mộ của nhà trường trong việc triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Tìm thầy cho giảng viên
NGƯT.PGS.TS Phan Quang Thế - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên từng gây xôn xao dư luận với việc “thanh lọc” một loạt giảng viên kém chất lượng.
Khi bắt đầu câu chuyện với Đề án 2020, vị Hiệu trưởng cũng nhắc lại việc này, với quan niệm rằng: Cái gốc thành công là ở con người, muốn đào tạo có chất lượng, người thầy phải được đào tạo bài bản, phải giỏi.
Những mong mỏi, ý tưởng về việc giảng viên, sinh viên phải thành thạo Ngoại ngữ, với Hiệu trưởng Phan Quang Thế đã được nung nấu từ trước khi có Đề án 2020. Rồi trường được giao triển khai đào tạo 2 chương trình tiên tiến, đó là chương trình ĐH Kỹ thuật điện và Kỹ thuật cơ khí bằng tiếng Anh – cũng là cơ duyên, là khởi đầu thuận lợi.
Với chương trình này, trường đã tạo ra những đột phá với thay đổi về chương trình đào tạo; rồi mỗi bước tiến trong phương thức đánh giá, nội dung giảng dạy đều rất vất vả và khó khăn.
“Chúng tôi đã gặp phải nhiều phản ứng trong khi triển khai và nếu bản thân tôi nghĩ đến mình một chút chắc chắn sẽ không thể đổi mới được tiếp” - PGS Phan Quang Thế chia sẻ về ngày đầu gian khó.
Đang lúc đang thực sự cần đến tiếng Anh cho chương trình tiên tiến thì có Đề án Ngoại ngữ 2020. Vai trò thực sự của Đề án này khi đó, theo PGS Phan Quang Thế không phải là kinh phí mà chính là cơ sở pháp lý để triển khai việc: Là giảng viên thì phải biết ngoại ngữ; sinh viên cũng cần phải biết ngoại ngữ.
Giảng viên ra nước ngoài không chỉ đơn thuần học Ngoại ngữ. Khi trở về, những giảng viên này đã cởi bỏ được khó khăn khi học ngoại ngữ; tư duy của họ cũng thay đổi để tiếp cận với nền giáo dục mới hiện đại.
Bắt tay vào triển khai Đề án từ năm 2011, đến năm 2013, các lớp học đã được mở rất nhiều. Và nhờ có chương trình tiên tiến, hàng năm, Trường đều đặn đưa được khoảng 40 giảng viên sang Mỹ tập huấn từ 2 – 3 tháng; hàng chục cán bộ chủ chốt của trường cũng được đưa sang đó học tiếng Anh mỗi năm.
“Nhiều người nói tôi lãng phí, nhưng tôi cho rằng, giảng viên ra nước ngoài không chỉ đơn thuần học Ngoại ngữ. Khi trở về, những giảng viên này đã cởi bỏ được khó khăn khi học ngoại ngữ; tư duy của họ cũng thay đổi để tiếp cận với nền giáo dục mới hiện đại. Chúng tôi đã rất thành công trong việc này.
Từ thành công đó, không chỉ giảng viên của chương trình tiên tiến mà những chương trình đào tạo khác cũng được nhà trường tạo điều kiện ra nước ngoài học tập” - PGS Phan Quang Thế cho hay.
Song song với việc cho giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài, Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên còn liên tục mời các cơ sở đào tạo ngoại ngữ uy tín về nâng cao trình độ cho giảng viên, chấp nhận những nơi chi phí rất đắt đỏ.
Trong quá trình này, Trường nhận ra rằng, việc tìm thầy cho giảng viên là rất quan trọng và nếu tìm được thầy giỏi, quãng đường đi sẽ rất ngắn.
Với sinh viên, ý tưởng của Trường là năm học tới sẽ thay đổi hoàn toàn cách tổ chức dạy học, không học tiếng Anh lắt nhắt, vài tín chỉ một mà sẽ tổ chức cho sinh viên chỉ học tiếng Anh liên tục trong một học kỳ, những học kỳ sau đó vẫn tiếp tục học bổ sung.
Hiệu trưởng Phan Quang Thế chia sẻ thành công: Hết năm 2014 này, toàn trường chúng tôi phổ cập 450 TOEFL ITP cho giảng viên; riêng khoa Quốc tế phổ cập 500 TOEFL và cuối năm nay là 550. Hết năm 2015, chúng tôi sẽ phổ cập 500 TOEFL ITP cho toàn trường.
Về sinh viên, từ năm tới, toàn bộ sinh viên của chúng tôi tốt nghiệp yêu cầu đạt chuẩn ngoại ngữ là 390 TOEFL ITP, sau đó mỗi một năm, tăng lên 10 điểm và các em sẽ đạt TOEFL ITP vào năm 2021 là 450 đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Học tiếng Anh phải dùng được tiếng Anh
Triển khai Đề án 2020, điều được PGS Phan Quang Thế đặc biệt lưu ý là tính bền vững với quan điểm: Giảng viên đạt được chuẩn tiếng Anh nhưng phải dùng được tiếng Anh vào trong công việc, vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Do đó, quy tắc đặt ra cho mỗi giảng viên của Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên là học tới đâu phải dùng tới đó. Giảng viên phải dùng sách giáo khoa tiếng Anh để soạn thành bài giảng, sau đó cung cấp cho sinh viên. Sinh viên muốn tham khảo thêm thì phải đọc sách tiếng Anh. Trường đã rất thành công với quy tắc này.
Riêng vấn đề kinh phí, trong khi nhiều đơn vị kêu khó thì Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên có quan điểm rất khác.
PGS Phan Quang Thế thẳng thắn: Tôi cho rằng, với Đề án 2020, vấn đề không phải là tiền mà quan trọng là công khai minh bạch, không chỉ với tài chính.
Ví như, trường chúng tôi là trường đầu tiên của đất nước này xếp loại giảng viên theo thứ tự. Cán bộ viên chức cũng xếp từ số 1 đến số n trong các phòng chức năng. Chúng tôi cũng sẵn sàng chi từ 7 đến 12 triệu để thưởng cho những giảng viên có điểm TOEFL cao. Tất cả đều rất rõ ràng, minh bạch.
Thêm nữa, Hiệu trưởng Phan Quang Thế cho rằng: Một trong những bí quyết Trường triển khai thành công Đề án 2020 chính là phải coi Đề án này như một thành tố trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH.
“Con người sống phải trong môi trường không khí mới tồn tại được; cá muốn sống phải có nước; Đề án Ngoại ngữ 2020 cũng vậy” - PGS Phan Quang Thế ví von.