Chứng chỉ hành nghề giúp chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Một trong những quy định được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Văn bản xác nhận tư cách nhà giáo

Đại diện Ban soạn thảo cho biết, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành/lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Cụ thể, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự.

Ngoài ra, giảm được thủ tục cho nhà giáo khi áp dụng vào một số trường hợp: Thứ nhất, thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường;

Thứ hai, khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại;

Thứ ba, khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Chứng chỉ hành nghề bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nhà giáo "chỉ được mà không mất"

Theo TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc cấp chứng chỉ hành nghề, nhà giáo chỉ được mà không mất. Có chứng chỉ hành nghề, vị thế nhà giáo được nâng lên. Khi có chứng chỉ này, sẽ thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp vì chứng chỉ có giá trị sử dụng toàn quốc.

Khẳng định, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là cần thiết, TS Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) tán thành với quy định, những nhà giáo đang giảng dạy thì coi như đã có chứng chỉ hành nghề, còn người mới bắt buộc qua đánh giá sát sạch để được cấp.

Tại Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, để có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng về người có “tư cách” nhà giáo, xứng đáng với danh xưng “nhà giáo”; đảm bảo nhà giáo là người đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục và có khả năng hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả và làm tăng niềm tự hào nghề nghiệp đối với những người được gọi là “nhà giáo”, dự thảo Luật quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Bên cạnh thuận lợi trong công tác quản lý nhà giáo thì chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo giúp nhà giáo thuận lợi hơn khi tham gia các hoạt động giảng dạy, giáo dục tại các quốc gia khác theo các chương trình hợp tác quốc tế về nhà giáo; thuận lợi cho việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục, giữa cơ sở giáo dục công lập và dân lập, tư thục; thuận lợi cho người quay trở lại làm nhà giáo sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ công việc khác theo phân công của cơ quan có thẩm quyền...

Tờ trình của Bộ GD&ĐT cũng nêu một số nội dung quy định chính về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo:

Thứ nhất, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Thứ hai, các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo gồm có: Một là, nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

Hai là, nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo;

Ba là, nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu);

Bốn là, nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực.

Theo đó, những nhà giáo này đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Mặt khác, nhà giáo đã nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Bộ GD&ĐT cho biết, người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Việt Nam là bên ký kết và còn hiệu lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tìm hiểu mbti và cách áp dụnghệ thống tiêu chuẩn iso 9001 doanh nghiệp