3 yếu tố hình thành chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo

GD&TĐ - Yếu tố cần có để hình thành chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo: kiến thức chuyên môn; nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy.

Ông Vũ Minh Đức báo cáo tại Tọa đàm.
Ông Vũ Minh Đức báo cáo tại Tọa đàm.

3 yếu tố, 2 nguồn để trở thành nhà giáo

Tại buổi Tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi, muốn trở thành nhà giáo, cần có ba yếu tố:

Thứ nhất, kiến thức chuyên môn đối với những môn học mình sẽ giảng dạy.

Thứ hai, nghiệp vụ sư phạm, hiểu rõ về phương pháp giảng dạy, rồi tâm sinh lý học của người học và nghiệp vụ sư phạm.

Thứ ba, kỹ năng giảng dạy, yếu tố này rất là quan trọng.

Có những người đủ bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhưng kỹ năng giảng dạy không có. Vì vậy, đây là ba yếu tố cần có để hình thành chứng chỉ hành nghề.

Cũng theo ông Vũ Minh Đức, có hai nguồn để trở thành giáo viên: Thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm. Thứ hai là người tốt nghiệp trường khác đạt trình độ đào tạo theo quy định và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì được tuyển dụng làm nhà giáo.

Tất cả các đối tượng trên thì đều phải thực hiện tập sự trong thời gian 1 năm, sau đó được đánh giá, nếu hoàn thành việc thực tập thì được cơ quan tuyển dụng.

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, kể cả người tốt nghiệp sư phạm và người chưa tốt nghiệp sư phạm, trước khi hành nghề cần có một quá trình đào tạo, tạm gọi là đào tạo nghề. Đối với những nội dung đào tạo nghề, cấu trúc của mô-đun đào tạo nghề sẽ có những mô-đun đã được giảng dạy trong trường đại học.

Nếu là sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm tham gia khóa đào tạo nghề, thì những nội dung đã được đào tạo trong chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm sẽ không phải học và sẽ rút ngắn thời gian đào tạo nghề để có thể sớm được cấp chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, có sự phân biệt giữa sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và không tốt nghiệp các trường sư phạm trong quá trình để cấp giấy chứng nhận hành nghề.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Cơ quan nào cấp, cơ quan đó có quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề

Đặt vấn đề thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, cơ quan nào cấp thì cơ quan đó có quyền thu hồi.

Chẳng hạn, với cơ quan cấp Bộ thì có Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp Chứng chỉ hành nghề cho giảng viên các trường trực thuộc thì Bộ có quyền thu hồi. Tương tự, các sở GD&ĐT cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên ở địa phương mình thì có thể thu hồi.

Vậy quy định trên có phải rào cản cho giáo viên không? Ông Vũ Minh Đức đặt vấn đề và khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vị trí của nhà giáo. Vì vậy đã dành cho nhà giáo một bộ luật riêng để điều chỉnh. Luật này điều chỉnh về nhà giáo và là luật điều chỉnh về con người. Hiện, trong hệ thống pháp luật rất ít luật như dự thảo Luật Nhà giáo.

Trao đổi về vấn đề tiền lương của nhà giáo được đề cập trong dự án Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức nhắc lại, dự thảo luật đề xuất: Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Đặc trưng hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là lao động đặc biệt, từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người. Cho nên đề xuất này phù hợp và cũng không phải là yêu cầu quá cao.

Ông Vũ Minh Đức trao đổi, hiện việc đánh giá nhà giáo đang giao cho cơ sở giáo dục. Với nhà giáo 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, cơ sở giáo dục báo lên cấp trên quản lý trực tiếp và báo cáo cơ quan cấp giấy phép hành nghề. Trên cơ sở đó, cơ quan cấp giấy phép hành nghề có thể thu hồi giấy phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.