Hội thảo khoa học “Lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo” đã diễn sáng 21/5. Hội thảo do Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã đến dự.
3 vấn đề cốt lõi
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Luật Nhà giáo được đặt vấn đề nghiên cứu từ 10 năm nay. Giai đoạn 2015-2020 đã có đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu về Luật Nhà giáo.
2 năm qua, với sự chủ trì của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) và sự hỗ trợ giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học, Bộ đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm về nhà giáo.
Hồ sơ, văn bản trình Chính phủ, Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đều khẳng định: Thứ nhất, các cấp, cơ quan, nhà khoa học, chuyên gia đều thống nhất cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo;
Thứ hai, về quan điểm ban hành Luật Nhà giáo, ngoài những nguyên tắc bất biến bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đề cao vị trí, vai trò của nhà giáo thì nguyên tắc cốt yếu nhất của lần này là, ban hành luật để chúng ta tạo điều kiện tối đa, tốt nhất nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng, chất lượng, phẩm chất và năng lực.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Ban Soạn thảo đề xuất 5 chính sách. Thứ trưởng đặt vấn đề, hội thảo hôm nay thảo luận nội hàm của 5 chính sách này; trong đó có ba nhóm vấn đề: Một là chế độ chính sách, đặc biệt là tiền lương đối với nhà giáo; Thứ hai là quản lý Nhà nước về nhà giáo; Thứ ba là chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Đây là 3 vấn đề cốt lõi được dư luận, các nhà giáo, chuyên gia quan tâm nhiều nhất, Thứ trưởng nhìn nhận. Đây cũng là nội dung quan trọng để chúng ta trao đổi, thảo luận và tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.
Từ đó, có đủ căn cứ khoa học, lý luận, thực tiễn để trả lời câu hỏi nhà giáo cần có chứng chỉ nghề hay không? Chứng chỉ này sử dụng như thế nào, một người có thể có một hoặc nhiều hơn một chứng chỉ hành nghề...
Ngày hội sáng tạo cho trẻ mầm non quận Tây Hồ (Hà Nội). |
Thuận lợi hơn cho tuyển dụng giáo viên
Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế - Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, đã là nghề, cần có chứng chỉ hành nghề; nhà giáo cũng không ngoại lệ. “Có chứng chỉ cũng là để an toàn cho nhà giáo” - PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế nhấn mạnh và cho rằng, vấn đề này cần được luật hóa.
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Hồng Thái – Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, chứng chỉ hành nghề sẽ nâng đỡ phát triển nhà giáo và thuận lợi hơn cho việc tuyển dụng viên chức giáo viên.
Ở Thái Lan, dù bác sĩ Việt Nam có tay nghề giỏi đến đâu nhưng nếu không có chứng chỉ hành nghề thì họ cũng không có “động” vào bệnh nhân, GS.TS Phạm Hồng Thái viện dẫn. Từ thực tế này cho thấy sự cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Muốn vậy phải đưa vào trong Luật Nhà giáo.
Phải có nội dung về đạo đức nghề nghiệp thì mới ra được Luật Nhà giáo, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm và cho rằng, không phải ngẫu nhiên nhà giáo được xã hội tôn vinh. Do vậy, nhà giáo muốn hành nghề phải có đạo đức nghề nghiệp.
“Cần phân biệt giữa đạo đức xã hội với đạo đức nghề nghiệp. Nhà giáo là một nghề nên phải có quy định về đạo đức nghề nghiệp” - GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nói và đề xuất phải luật hóa vấn đề đạo đức nghề nghiệp nhà giáo. Luật Nhà giáo phải có sự khác biệt, nêu bật được đặc thù của nhà giáo.
Tới đây, nếu luật được Quốc hội thông qua; trong đó có chứng chỉ hành nghề thì cũng cần tính đến một thông tư hướng dẫn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý.