(GD&TĐ) - Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm (Tục ngữ Anh), câu châm ngôn này luôn luôn đúng và vai trò của người phụ nữ cũng luôn được khẳng định trong mọi thời đại, dù theo thời gian, những chuẩn mực về người phụ nữ có thay đổi thế nào, thì người phụ nữ vẫn là người “thắp lửa” trong gia đình, vẫn là người có tác động đặc biệt quan trọng đối với các thành viên trong mỗi gia đình. Bởi vậy, việc giáo dục con cái - kết quả thế nào, gần như chịu ảnh hưởng quyết định từ người mẹ.
Phụ nữ xưa…
Từ xưa, việc chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái đã là “nhiệm vụ” không thể thiếu của người phụ nữ. Niềm hạnh phúc vô bờ bến của mỗi người phụ nữ đó là làm vợ và làm mẹ, được chăm sóc cho những người mình yêu thương. Điều đó không thay đổi theo tiến trình lịch sử, theo những thay đổi trong quan niệm thời đại, song, trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, những chuẩn mực khác nhau về người phụ nữ cũng làm thay đổi vai trò và ảnh hưởng của người mẹ đối với việc giáo dục con cái trong gia đình.
Trong xã hội phong kiến, những định kiến khắt khe của xã hội đã kìm hãm người phụ nữ trong phạm vi gia đình, họ chịu ảnh hưởng lớn của người chồng, gần như không có sự độc lập, tự chủ trong đời sống, trong gia đình. Do đó, việc giáo dục con cũng bị ảnh hưởng lớn.
Xã hội phong kiến trọng nam, khinh nữ gần như xóa nhòa vai trò của phụ nữ trong xã hội, và “nhiệm vụ” duy nhất của họ là chăm sóc chồng, con. Có thể nói, “chăm sóc” ở đây được hiểu theo cách đơn giản nhất là nội trợ, giặt giũ, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho chồng, con . Những việc lớn trong gia đình thì đàn ông đảm đương, còn hàng nghìn việc “nhỏ nhặt” thì người vợ chịu trách nhiệm. Những chuẩn mực mà xã hội xây dựng nên cho phụ nữ là tam tòng, tứ đức, đã có những ảnh hưởng tích cực nhất định, xây dựng nên hình ảnh người phụ nữ hoàn thiện với công, dung, ngôn, hạnh, nhưng cũng đã bao nhiêu năm biến phụ nữ thành “nhân vật phụ” trong cuộc sống gia đình với “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Những chuẩn mực khắt khe đã khiến phụ nữ hoàn toàn bị lệ thuộc vào người đàn ông, từ cha đến chồng, thậm chí cả đến con trai. Ảnh hưởng của người mẹ với con cái cũng rất hạn chế. Người mẹ chỉ gần gũi, chăm sóc con cái, chứ không có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của con. Đặc biệt, việc định hướng cho con không phải là “nhiệm vụ” của người mẹ. Người phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình, cho nên, những quyết sách về tương lai, công danh, sự nghiệp của con hoàn toàn là do người cha định hướng. Việc chăm sóc con cái chỉ đơn thuần là lo cho chúng bữa ăn, giấc ngủ và yêu thương chúng bằng tất cả tình mẫu tử của mình.
…Và nay
Bước sang xã hội hiện đại, chuẩn mực về người phụ nữ thời hiện đại thay đổi, kéo theo sự thay đổi về ảnh hưởng của họ đối với gia đình và xã hội. Người phụ nữ bắt đầu được nhìn nhận với vai trò quan trọng hơn không chỉ trong gia đình mà còn ngoài xã hội. Họ bắt đầu khẳng định mình, bắt đầu “vươn xa” khỏi tầm nhìn hạn chế của người nội trợ, bắt đầu tiếp xúc với tri thức và đòi hỏi được ngang bằng với phái nam. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã nhìn nhận rõ ràng nhất khả năng, vai trò của người phụ nữ trong mọi quan hệ xã hội và khuyên nữ giới ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”.
Người phụ nữ hiện đại không chỉ đảm đương việc nhà, mà còn cống hiến tài năng cho xã hội. Họ không chỉ là người mẹ hiền đảm đang giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo tài năng, những cán bộ có năng lực. Chính bởi thế, ảnh hưởng của người mẹ đối với việc giáo dục con cái cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Vì nhận thức của xã hội thay đổi, vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục con cũng có những thay đổi lớn. Người mẹ chính là người gần gũi con nhất, chăm sóc và hiểu con nhất, cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của con từ khi con còn tấm bé. Việc dạy dỗ, kèm cặp con cái trong học tập cũng là một trách nhiệm được hai vợ chồng chia sẻ. Người phụ nữ hiện đại muốn khẳng định mình trong việc tạo lập cho con mọi thứ vững vàng từ khi con còn nằm nôi đến lúc con cái trưởng thành. Vai trò của người mẹ ngày càng trở nên quan trọng, vì không chỉ là người chăm sóc, mà phụ nữ hiện đại đã trở thành người dạy dỗ và định hướng cho con. Cũng bởi vì người mẹ thường xuyên gần gũi, chăm sóc con hơn người cha, nên người mẹ mới là người hiểu con mình nhất, biết chúng khuyết mặt nào, mạnh mặt nào, từ đó có định hướng chính xác cho con trên bước đường tương lai.
Người phụ nữ trong xã hội ngày nay không chỉ “giỏi việc nước” mà còn phải “đảm việc nhà”.Trách nhiệm tăng gấp đôi thì chắc chắn niềm hạnh phúc sẽ tăng lên gấp nhiều lần hơn nữa. Họ muốn khẳng định vai trò của mình, là người phụ nữ hiện đại có tri thức, năng động, thành đạt. Song song với điều đó, trách nhiệm và ảnh hưởng của những phụ nữ hiện đại với con cái cũng thể hiện ngày càng rõ rệt. Bên cạnh thiên chức làm mẹ, tình yêu của người mẹ, họ còn có thêm tri thức, hiểu biết xã hội, nên cơ hội dạy dỗ, chăm sóc con lớn hơn rất nhiều và có hiệu quả hơn rất nhiều. Có thể nói, ảnh hưởng của người mẹ đối với việc dạy dỗ con là vô cùng to lớn. Tất nhiên, bên cạnh người chồng biết chia sẻ gánh nặng gia đình và xã hội, phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc thể hiện và khẳng định mình ngoài xã hội và trong gia đình hơn, sẽ đóng góp được nhiều hơn tâm - sức của mình cho gia đình mình và cho cả xã hội.
Từ xưa đến nay, dù những giá trị và chuẩn mực về người phụ nữ có thay đổi như thế nào, thì phụ nữ vẫn tỏa sáng với thiên chức thiêng liêng là người vợ, người mẹ.
Phụ nữ là một nửa của thế giới. Nếu một nửa thế giới phát triển thì thế giới chắc chắn sẽ phát triển.
Phụ nữ là người giữ lửa. Nếu ngọn lửa được giữ gìn cẩn thận thì ánh sáng của nó sẽ soi rọi đến mọi nơi.
Thủy Linh