Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã hoàn thiện “Bộ thực đơn học sinh THPT” chuyển giao cho ngành Giáo dục. Điều này giúp các trường dễ dàng thay đổi món ăn, bảo đảm dinh dưỡng.
Đa dạng món ăn
“Bữa ăn bán trú của học sinh gồm các món như: Cơm, canh, xào, mặn, tráng miệng. Riêng thứ 5, 6 hàng tuần thực đơn đổi món nước như: Bún bò, hủ tiếu, mì ý, cơm chiên... Các bữa ăn luôn bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh. Thực đơn cũng được công khai cho phụ huynh, học sinh nắm để góp ý nhằm có những thay đổi phù hợp”, cô Minh cho hay.
Nhiều năm qua, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) phối hợp với công ty cung cấp thức ăn công nghiệp tổ chức bữa ăn bán trú cho 500 học sinh. Khu vực ăn trưa được nhà trường vệ sinh sạch sẽ, mát mẻ. Nhân viên phục vụ nhà bếp thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Theo chia sẻ của Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tường Minh, bếp ăn công nghiệp sẽ gửi thực đơn theo nhóm với nhiều món đa dạng để nhà trường lựa chọn từng bữa ăn cho học sinh, bảo đảm các món thay đổi liên tục.
Tương tự, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) có 972 trong tổng số 1.744 học sinh đăng ký bán trú tại trường. Theo đó, mỗi suất ăn của học sinh phải đóng là 33 nghìn đồng. Thời gian qua, đơn vị phối hợp với công ty suất ăn công nghiệp nấu ngay tại bếp ăn nhà trường để bảo đảm thức ăn nóng sốt cho học sinh. Về thực đơn, công ty cung cấp sẽ liệt kê và gửi cho trường trước 2 tuần. Sau đó thực đơn được giao cho bộ phận quản lý cùng nhân viên y tế duyệt sơ bộ nhằm cân đối chế độ dinh dưỡng, ban giám hiệu sẽ duyệt lần cuối cùng.
Cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Minh Đức chia sẻ: “Nhà trường đã nhận được “Bộ thực đơn học sinh THPT” từ Phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD&ĐT TPHCM và triển khai. Thực đơn bữa ăn bán trú tại trường gồm: Món xào, canh, món mặn, hoa quả và thay đổi liên tục từng ngày. Trong quá trình ăn, tôi cùng các giáo viên quản lý có mặt tại bếp rà soát để nắm bắt tình hình. Từ đó, nhà trường có điều chỉnh làm sao bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và sở thích ăn uống cho học sinh”.
Cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, cho biết thêm: “Nhiều học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy trong 972 em đăng ký bán trú chỉ có 616 em đăng ký ăn tại trường, 352 em còn lại mang cơm mà gia đình đã chuẩn bị đến ăn và nghỉ lại buổi trưa. Đối với những em này, nhà trường bố trí khu vực ăn riêng. Đặc biệt, để bảo đảm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, trường không cho phép học sinh ship đồ ăn ngoài mang vào”.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. |
Cùng ăn với trò
Ngày 6/1/2023, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản yêu cầu các trường THPT trên địa bàn căn cứ tình hình thực tiễn của đơn vị áp dụng “Thực đơn học sinh THPT” do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khuyến nghị.
“Bộ thực đơn học sinh THPT” cung cấp các thực đơn dành cho trẻ 15 - 18 tuổi, được xây dựng dựa trên các khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam năm 2016, hướng dẫn khoa học về dinh dưỡng tiết chế cho trẻ em. Bộ thực đơn gồm 14 thực đơn có năng lượng 2.100 Kcal và 14 thực đơn có năng lượng 2.500 Kcal được thiết kế với các món ăn thay đổi trong 2 tuần, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết ở mức tối thiểu cần có.
Thực đơn mỗi ngày được xây dựng bao gồm 3 bữa ăn chính và 2 bữa nhẹ. Món ăn trong bộ thực đơn đa dạng, dễ chế biến từ nguồn thực phẩm sẵn có, có giá trị sinh học cao, dễ tiêu hóa và hấp thu. Bộ thực đơn đã và đang được các trường THPT có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn thực hiện.
Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân) có bếp ăn riêng phục vụ nhu cầu bán trú cho học sinh. Để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho bữa ăn, nhà trường lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Hằng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm đều ghi sổ với sự giám sát chặt chẽ của thành viên ban giám hiệu. Đối với bữa sáng sẽ có 2 thực đơn và bữa trưa là 3 thực đơn sau đó gửi về các lớp cho học sinh lựa chọn trước đó 1 tuần.
Theo cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, nhân viên nhà bếp thường xuyên được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ. Đồng thời, trường đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm tới các bậc phụ huynh thông qua các buổi họp phụ huynh, tranh ảnh, áp phích tại các bản tin, góc tuyên truyền của nhà trường để hiểu và có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe của con em mình.
“Ban giám hiệu liên tục kiểm tra, nhắc nhở nhân viên bếp ăn không chỉ nâng cao trách nhiệm, mà còn dành tình yêu và sự tâm huyết trong chuẩn bị từng bữa ăn. Có như vậy mới không để xảy ra sự cố, dù là nhỏ nhất”, cô Lệ cho hay.
Còn cô Nguyễn Thị Tường Minh, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu cho hay, nhà trường luôn chú trọng đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn học đường. Hằng ngày, đại diện ban giám hiệu trực tại khu vực ăn bán trú, nắm rõ thực đơn bán trú và trực tiếp quan sát từ khâu chia thức ăn, học sinh ăn và nhận phản hồi từ các em…
“Ban giám hiệu và các thầy, cô, nhân viên phục vụ bán trú cùng dùng các suất ăn hằng ngày nhằm kiểm tra chất lượng khẩu phần ăn và cũng tạo môi trường gần gũi với học sinh trong giờ ăn... Đặc biệt để bảo đảm khách quan, đại diện cha mẹ học sinh thỉnh thoảng cũng đến ăn trưa cùng ban giám hiệu và con em mình. Sau bữa ăn các phụ huynh đánh giá rất tốt về chất lượng bữa ăn”, cô Minh cho hay.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, nhu cầu năng lượng của học sinh trong độ tuổi 15 - 18 tuổi khoảng 2.100 - 2.500 Kcal/ngày, tùy theo tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe, mức độ hoạt động thể lực. Trong đó, nhu cầu protein chiếm 13 - 20% tổng năng lượng khẩu phần, nhu cầu lipid chiếm 20 - 30% và nhu cầu carbohydrate chiếm 55 - 65%. Ngoài ra, học sinh cần được bổ sung vitamin và khoáng chất gồm vitamin A, B1, C, canxi, sắt, natri.