Giám sát chặt bữa ăn bán trú

GD&TĐ - Gần 2 tuần sau khai giảng, công tác dạy và học trên địa bàn TPHCM đã đi vào nền nếp. 

Trước khi học sinh nghỉ trưa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Diệu sẽ đến từng lớp học điểm danh.
Trước khi học sinh nghỉ trưa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Diệu sẽ đến từng lớp học điểm danh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, các cơ sở giáo dục đã tổ chức bán trú cho học sinh từ buổi học đầu tiên. Bên cạnh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ dinh dưỡng trong các bữa ăn, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các loại bệnh khác cũng được các trường quan tâm triển khai.

Chặt chẽ, an toàn

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10) có 1.030 học sinh, trong đó, 929 em đăng ký tham gia bán trú. Cơ sở vật chất hiện có của trường đáp ứng đủ điều kiện giảng dạy 2 buổi/ngày với 1 lớp/phòng học.

Thầy Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tổ chức bữa ăn bán trú từ ngày 5/9, trường có 2 tuần chuẩn bị các điều kiện như dụng cụ, cơ sở vật chất. Ban giám hiệu cũng phân công các cô bảo mẫu sắp xếp vật dụng, nơi nghỉ trưa cho học sinh tại trường. Trước đó, ban giám hiệu nhà trường tổ chức họp phổ biến thông tin và đăng ký trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

“Việc tổ chức ăn bán trú nhà trường chia làm 2 ca từ 10 giờ 30 phút và 11 giờ. Chúng tôi yêu cầu công ty mà trường hợp đồng bữa ăn trưa lựa chọn đăng ký nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt là đơn vị cung cấp phải bảo đảm an toàn vệ sinh và tổ chức lưu mẫu, bảo quản sau khi chế biến thức ăn theo quy định”, thầy Dũng chia sẻ.

Bữa ăn bán trú của Trường Mầm non Hương Nắng Hồng.

Bữa ăn bán trú của Trường Mầm non Hương Nắng Hồng.

Tương tự, ngay từ ngày khai giảng, Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức) triển khai cho học sinh các độ tuổi học bán trú. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Hoa, năm học này, toàn trường có 185 trẻ. Đối với việc tổ chức ăn bán trú, nhà trường thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho trẻ. Thực đơn của trẻ được thay đổi hàng ngày, hàng tuần, bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Thức ăn hàng ngày được nhà trường lưu mẫu trong 24 giờ theo đúng quy định và có sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ.

Cũng theo chia sẻ của cô Hoa, cùng với thực hiện tốt quy trình bếp ăn một chiều, nhà trường luôn giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn trong từng bữa ăn cho trẻ. “Chúng tôi xác định điều cốt yếu của việc tổ chức bán trú là khâu chọn lựa thực phẩm phải bảo đảm uy tín, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Cùng với đó là tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và bệnh khác trong quá trình giao nhận thực phẩm”, cô Hoa nói.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu hào hứng khi trường tổ chức bán trú.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu hào hứng khi trường tổ chức bán trú.

Bảo đảm sức khoẻ cho học sinh

Dịp hè vừa qua, các trường học trên địa bàn TPHCM đã phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh hiện hành cho thầy cô giáo. Do đó khi học sinh trở lại trường, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe được các cơ sở tổ thực hiện tốt.

“Trước ngày khai giảng, sở phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch Covid-19 và dịch bệnh khác cho các đơn vị trường học để học sinh đến trường được an toàn, cũng như bảo đảm kế hoạch năm học mà UBND TPHCM đã phê duyệt”, ông Minh cho hay.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, dịch Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh khác vẫn diễn biến phức tạp trong môi trường học đường, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường có tổ chức bán trú, bếp ăn tập thể và căng-tin thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch cũng như bảo đảm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhân viên, người làm việc.

Ý thức cao trong công tác phòng dịch Covid-19 và dịch bệnh khác, từ đầu năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12) bên cạnh tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, mỗi phòng học còn được bố trí góc vui chơi, học tập để trẻ phát huy khả năng sáng tạo. Bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, chủ Trường Mầm non 19 Tháng 5 cho biết: “Để đón trẻ trở lại cũng như thực hiện các hoạt động bán trú, nhà trường thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, đặc biệt là phòng học và khu vực bếp ăn. Khi ngủ, trẻ được bố trí riêng theo từng khu vực với đồ dùng cá nhân riêng biệt”.

Tuy nhiên bà Quỳnh cũng cho biết, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và phải rửa tay sát khuẩn thường xuyên khó thực hiện trong trường mầm non. Bởi trẻ còn nhỏ, chưa ý thức được hành động của mình. Vì vậy nhà trường khắc phục bằng cách tổ chức cho trẻ ăn theo nhóm nhỏ để tránh tiếp xúc nhiều với các bạn trong lớp học.

Còn tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) có có 500/1.636 học sinh đăng ký bán trú. Khu vực học sinh ăn trưa sạch sẽ, mát mẻ, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng. Bên cạnh đó chỗ nghỉ ngơi tại lớp học trang bị gối, chiếu cho từng em và vệ sinh định kỳ mỗi tuần/lần. Các phòng học được vệ sinh khử khuẩn hàng ngày. Nhân viên phục vụ nhà bếp cũng thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm.

“Công tác tổ chức bán trú được ban giám hiệu đặc biệt quan tâm. Hàng ngày chúng tôi đều xuống nhà ăn, cùng ăn với học sinh, đồng thời khảo sát từng phòng ngủ để xử lý kịp thời bất cập xảy ra”, cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu cho hay.

“Khó khăn nhất trong tổ chức bán trú là cơ sở vật chất. Hiện nhà trường đang tận dụng phòng học làm phòng ngủ trưa. Vì vậy sau khi học xong phải có lực lượng dọn dẹp bàn ghế, vệ sinh phòng, xếp chiếu gối, sau đó trả lại cho buổi học chiều. Bên cạnh đó, nhà trường tận dụng các góc cầu thang cải tạo làm kho để chiếu, gối bảo đảm tất cả mọi vật dụng đều gọn gàng”, cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ