'Căng não' lo bữa ăn bán trú

GD&TĐ - Giá cả nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn bán trú trong trường học.

Nấu ăn bán trú tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: NTCC
Nấu ăn bán trú tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: NTCC

Nhiều trường phải “căng não” để vừa cân đối tiền ăn, vừa bảo đảm chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Gặp khó thời bão giá

Giá cả nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn bán trú trong trường học. Tổ chức 2 - 3 bữa ăn/ngày nhưng mức thu tiền khoảng 30 nghìn đồng như hiện nay khiến nhiều trường băn khoăn.

Tại TPHCM, trường tiểu học, THCS công lập ở các quận, tiền ăn bán trú khoảng 30 nghìn đồng/ngày (gồm bữa trưa, xế); một số trường khoản tiền này bao gồm cả nước uống. Mức thu này không tăng so với mấy năm trước vì năm nay Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu không tăng các khoản thu, dù đây là khoản thu thỏa thuận. Với mức thu như vậy, để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh thì nhà trường phải cân đối, thậm chí “căng não” để lên thực đơn.

Mới đây, ngành Giáo dục Cà Mau kiến nghị HĐND tỉnh điều chỉnh mức thu tiền ăn bán trú của học sinh mầm non và tiểu học. Hiện, số tiền chưa đến 30 nghìn đồng/ngày cho 3 bữa ăn khiến nhà trường, học sinh gặp khó.

Trước đó, vào tháng 10/2020, HĐND tỉnh Cà Mau ban hành Nghị quyết 09 về việc tổ chức, nâng cao chất lượng bán trú. Theo Nghị quyết, địa bàn phường thuộc TP Cà Mau và thị trấn thuộc huyện, tiền ăn của mầm non là 30 nghìn đồng/trẻ/ngày; tiểu học là 33 nghìn đồng/học sinh/ngày. Các trường địa bàn xã, tiền ăn của mầm non là 27 nghìn đồng/trẻ/ngày; tiểu học 30 nghìn đồng/học sinh/ngày. Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng nảy sinh một số khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện. Khó nhất là các trường thuộc xã thu tiền ăn của trẻ 27 nghìn đồng/ngày, nhưng theo thời giá hiện nay không bảo đảm chi 3 bữa ăn (1 bữa chính và 2 bữa phụ).

Hiệu trưởng trường mầm non ở TP Cà Mau chia sẻ, giá cả các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn của trẻ. Ảnh hưởng dịch bệnh, đời sống khó khăn nên nhà trường chưa tổ chức vận động các nguồn quỹ xã hội hóa. Thực hiện Nghị định 60/2021 của Chính phủ, tiền hoạt động bán trú thu từ học sinh lại có một số khoản chi: Khấu hao tài sản, thuế, hỗ trợ cải cách tiền lương...

Do đó, trường gặp không ít khó khăn trong quá trình cân đối để chi tỷ lệ phần ăn cho các bé bảo đảm dinh dưỡng theo quy định. Ngoài ra, nhà trường còn phải đóng 2% thuế cho các khoản thu bán trú, trong đó bao gồm cả tiền ăn của học sinh.

Theo ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, mức thu hiện hành theo Nghị quyết 09, nếu dành trọn vẹn cho bữa ăn thì các trường còn kham được; nhưng bị chi phối thêm theo quy định của Nghị định 60 của Chính phủ sẽ rất chật vật. Chưa kể, với tình hình vật giá leo thang, các trường tổ chức bán trú rất vất vả.

Trước khó khăn về tổ chức ăn bán trú, Sở GD&ĐT Cà Mau kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh mức thu, chi tiền hoạt động bán trú và hướng dẫn cụ thể hơn về mức thu, chi trên cơ sở Nghị định 60/2021; Điều chỉnh tiền ăn cho trẻ ăn ở cấp xã ít nhất phải bằng mức thu ở TP Cà Mau và thị trấn thuộc huyện để nhà trường xây dựng thực đơn cho trẻ đa dạng, phong phú…

Bữa ăn bán trú tại Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Ly 1 (Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: NTCC

Bữa ăn bán trú tại Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Ly 1 (Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: NTCC

Trường vùng khó tìm cách lo đủ lượng - chất

Trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao nhưng kinh phí hỗ trợ cho học sinh vùng khó, học sinh bán trú trong các trường bán trú không tăng thì ngoài việc cân đối thực đơn đảm bảo đủ lượng, chất, tiết kiệm, nhiều trường nội trú, bán trú triển khai cho học sinh tăng gia, sản xuất, tận dụng cơm thừa nuôi lợn… Từ nguồn thực phẩm tự tạo, bữa ăn của học trò vẫn đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe mà gia đình, phụ huynh không phải đóng góp thêm.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang), hàng ngày có 339/428 học sinh toàn trường thực hiện bán trú. Hơn 1 năm trở lại đây, để mở rộng trường lớp nên diện tích đất triển khai mô hình trang trại, nuôi lợn trồng rau phụ thêm bữa ăn bán trú không còn. Trong bối cảnh tiền hỗ trợ học sinh bán trú theo định mức (hơn 20 nghìn đồng/ngày/3 bữa ăn) buộc nhà trường phải “xoay xở” theo nhiều cách.

Cô Hiệu trưởng Đinh Loan Vân cho biết: Trước hết, trường tìm nguồn mua thực phẩm ngay tại địa phương để giảm phí vận chuyển. Tuy vậy, thực phẩm cung cấp tại xã vẫn phải đảm bảo tươi ngon, được cấp đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các bữa ăn trong tuần vẫn có thịt nhưng khi giá cả đắt hơn, lượng thịt không tăng lên thì bếp ăn sẽ cơ cấu thêm đậu, lạc… để học sinh vẫn đủ thức ăn mặn, ăn hết suất.

Đặc biệt, toàn bộ giáo viên nhà trường đã đăng ký tham gia hoạt động “Cải tạo vườn tạp” cho bà con địa phương theo phát động của huyện. Hàng tuần, giáo viên xuống nhà hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trồng trọt cho bà con, cùng cải tạo lại đất xấu trồng các loại rau; bắc đường ống nước và chỉ bảo cách tưới tiêu. Trường còn trích kinh phí mua lưới rào vườn, giúp dân tăng gia sản xuất hiệu quả…

Từ những mảnh vườn được cải tạo, sản lượng rau xanh được trường mua lại của gia đình hộ dân với giá rẻ hơn để phục vụ bếp ăn hàng ngày. “Giá mua rau từ chính mảnh vườn do giáo viên hỗ trợ bà con sản xuất thường rẻ hơn 1/3 so với thị trường. Và quan trọng hơn, nguồn rau đảm bảo chất lượng, không bị phun thuốc sâu, thuốc tăng trưởng. Các bữa ăn bán trú của học sinh vẫn được duy trì về lượng và chất dù nhà trường không còn mô hình nông trại…”, cô Vân trao đổi.

Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Ly 1 (Bắc Hà, Lào Cai) là một trong những đơn vị trường phát triển mạnh mô hình nông trại trong trường. Do đó, dù bữa ăn bán trú trong bối cảnh giá cả tăng cao thì học sinh vẫn có suất ăn đủ lượng và chất. Thậm chí từ nguồn lương thực, thực phẩm do học sinh và giáo viên tăng gia sản xuất được, nhà trường không dùng hết, còn bán ra ngoài lấy tiền hỗ trợ văn phòng phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho trò.

Thầy Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thời tiết khí hậu thuận lợi nên một số loại rau củ quả trồng trong vườn trường cho năng suất tốt, như quả su su, bắp cải, su hào, rau cải. Bếp ăn mua lại với giá rẻ, đảm bảo nguồn thực phẩm. Bên cạnh đó, trường còn nuôi được lợn, gà, ngan… nên việc thay đổi món ăn, thực phẩm các bữa ăn trong tuần diễn ra thường xuyên...

“Huyện Si Ma Cai có 26 trường PTDTBT và trường có học sinh bán trú với gần 4.000 học sinh. Số lượng học sinh bán trú đông nên việc đảm bảo bữa ăn trong bối cảnh giá cả tăng… được phòng Giáo dục xác định là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo công tác bán trú, sức khỏe học sinh, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục…”, bà Oanh khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Si Ma Cai (Lào Cai), cho rằng trong bối cảnh giá cả lên cao mà định mức bán trú cho học sinh chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều tới bữa ăn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất và lượng bữa ăn, ngành Giáo dục Si Ma Cai đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, hướng dẫn các nhà trường trong khâu thực hiện.

Một mặt, phòng không quy định thực đơn cứng hàng ngày nhưng yêu cầu các nhà trường cân đối đảm bảo dinh dưỡng (dù số lượng có ít đi). Mặt khác, khuyến khích trường có điều kiện trồng rau xanh, tăng gia sản xuất để tiết kiệm và tăng cường khẩu phần ăn cho trò. Đặc biệt, phòng Giáo dục sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, lồng ghép kiểm tra chuyên ngành. Yêu cầu các trường công khai số lượng, loại thực phẩm từng bữa ăn để có thể so sánh đối chiếu kết quả…

Địa phương, phụ huynh chia sẻ

Tỉnh Tiền Giang hiện có 208 cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể, trong đó, 178 bếp ăn tại trường mầm non công lập, 29 bếp ăn tại trường tiểu học, 1 bếp ăn tại trường THCS. Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên các trường học của tỉnh thực hiện Nghị quyết 01/2022 của HĐND tỉnh quy định khoản thu và mức thu, cơ chế thu - chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục.

Bếp ăn Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC

Bếp ăn Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC

Theo đó, đối với học sinh mầm non, mức thu tiền bán trú là 279.000 - 304.000 đồng/học sinh/tháng; tiểu học 184.000 - 216.000 đồng/tháng; THCS 163.000 - 188.000 đồng/tháng. Tổ chức bữa ăn do ban giám hiệu trường quản lý, chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế thực đơn, mua thực phẩm cho đến chế biến món ăn.

Đầu năm học, Sở GD&ĐT Tiền Giang có văn bản hướng dẫn nhà trường thực hiện tổ chức học bán trú. Theo đó, ngoài các khoản thu được quy định tại Nghị quyết số 01, các trường thực hiện vận động xã hội hóa giáo dục theo quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh. Việc thu - chi phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, thu đủ chi, mang tính chất phục vụ, không phải kinh doanh, đảm bảo công khai, dân chủ.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, thực hiện Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh, ngành GD-ĐT có hướng dẫn từ đầu tháng 9. Trên cơ sở đó, các trường nhanh chóng đưa hoạt động bán trú đi vào nền nếp nhằm đáp ứng yêu cầu, tạo sự đồng thuận từ phía phụ huynh. Đối với công tác bán trú, các cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh...

Năm học 2022 - 2023, TP Cần Thơ có 171 trường mầm non, 169 trường tiểu học với khoảng 51.111 trẻ mầm non và 99.091 học sinh tiểu học. Trong đó có gần 34.000 học sinh tiểu học và hơn 42.000 trẻ mầm non đăng ký bán trú. Các trường có đủ các điều kiện tổ chức bán trú xây dựng kế hoạch tổ chức phù hợp thực tế và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Theo cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), năm học 2022 - 2023, trường có 2.010 học sinh với 56 lớp học; trong đó có 1.861 học sinh đăng ký ăn bán trú. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như nhân sự để đảm bảo công tác bán trú. Sau đó, trường tổ chức họp phụ huynh và đăng ký bán trú cho các em trên tinh thần tự nguyện.

Chị Ôn Thị Lý, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang), khẳng định: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu nhà trường huy động, gia đình cũng sẵn sàng hỗ trợ. Đóng góp có thể bằng củi, rau xanh, ngô, lạc… những nông sản mà gia đình sản xuất được. Chung tay cùng nhà trường đảm bảo bữa ăn bán trú cũng là trách nhiệm của gia đình để mang lại sức khỏe tốt hơn cho học sinh…

Nhiều năm nay, với chế độ bán trú và tăng cường nguồn thực phẩm từ mô hình nông trại đã giảm tình trạng học trò bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân/thấp còi. Thậm chí, gạo ăn được cấp theo chỉ tiêu, học sinh không dùng hết nhà trường trả lại cho phụ huynh vào cuối năm học... Bữa ăn bán trú bảo đảm hơn ở gia đình nên trẻ tới trường khá đều đặn, không còn tình trạng, nghỉ bỏ học…”. - Thầy Nguyễn Tiến Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ