Chuẩn đầu ra ngoại ngữ không đồng nhất, sinh viên gặp khó?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chứng chỉ ngoại ngữ là điều kiện cần để sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, mỗi trường một yêu cầu khác nhau gây “rối loạn” cho người học.

Sinh viên trau dồi kỹ năng ngoại ngữ sẽ thuận lợi khi tiếp cận tri thức thế giới.
Sinh viên trau dồi kỹ năng ngoại ngữ sẽ thuận lợi khi tiếp cận tri thức thế giới.

Người học “trắng tay”

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. Theo đó, yêu cầu với người có bằng đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam (tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu).

Tuy nhiên, cùng là tiếng Anh nhưng mỗi trường lại yêu cầu một chuẩn. Có trường chỉ chấp nhận chứng chỉ quốc tế TOEIC, trường thì chấp nhận 5 loại chứng chỉ quốc tế và chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc châu Âu… Thực tế này đôi lúc khiến sinh viên vất vả chạy theo khi trường thay đổi và nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Mới đây nhiều sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng “ngỡ ngàng” khi nộp chứng chỉ ngoại ngữ APTIS General nhưng không được trường chấp nhận. Ngày 24/2, nhà trường tiếp tục thông báo về việc đổi điều kiện xét chuẩn đầu ra, thay thế chứng chỉ tiếng Anh APTIS (General, Advanced) và BULTAS do Hội đồng Anh bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khác.

Chia sẻ câu chuyện trên, Lê Hoàng Phong, sinh viên năm 4, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, trường không chấp nhận chứng chỉ APTIS đồng nghĩa việc nhiều sinh viên đã có chứng chỉ APTIS “trắng tay” sau thời gian dài khổ luyện ôn tập và thi.

“Với thông báo trên, những sinh viên có chứng chỉ APTIS buộc phải ôn luyện và thi lại để phù hợp với yêu cầu. Điều này khiến sinh viên năm 4 tốn kém tiền bạc và thời gian, không ít bạn đối diện nguy cơ tuột mất cơ hội việc làm”, Hoàng Phong nói.

Năm 2022, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã phản ứng gay gắt khi nhà trường thay đổi chuẩn đầu ra ngoại ngữ từ B1 sang chuẩn khác… Những sự việc trên cho thấy sự bất tiện khi hệ thống chuẩn đầu ra không đồng nhất.

Giỏi ngoại ngữ giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Giỏi ngoại ngữ giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Cần lộ trình học bài bản

Đánh giá về thực trạng và chuẩn trình độ tiếng Anh của sinh viên hiện nay, giảng viên Nguyễn Thị Mỹ Phương, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, chất lượng ngoại ngữ của sinh viên tùy thuộc vào đơn vị đào tạo và yêu cầu ngành nghề.

Hiện nay, tỷ lệ sinh viên nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ không nhỏ. Nếu sinh viên không có kế hoạch học tập bài bản sẽ khó đạt được chuẩn đầu ra ngoại ngữ ngày càng cao tại các trường.

“Để có kế hoạch và lộ trình học tập tốt môn ngoại ngữ và đạt chuẩn đầu ra theo quy định của nhà trường, đầu năm sinh viên được kiểm tra và chia lớp theo cấp độ. Tuy vậy, việc phân chia lớp theo trình độ ngoại ngữ đầu vào dẫn đến khác biệt khá rõ giữa các lớp.

Với lớp có sinh viên năng lực ngoại ngữ tốt sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức nhưng trình độ trung bình, hổng kiến thức, việc học tập và tiếp thu tương đối vất vả”, cô Phương nhấn mạnh.

ThS Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Luật TPHCM cũng cho biết, sinh viên yếu tiếng Anh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do thiếu chủ động trong kế hoạch học tập và sự chủ quan chứ không phải do chuẩn đầu ra của trường quá cao.

“Thực tế, nhiều em dù điểm kiểm tra tiếng Anh đầu vào tốt nhưng sau 4 năm học tập vẫn không thể hoàn thành chuẩn đầu ra theo quy định của trường. Tuy vậy, có em dù điểm đầu vào tiếng Anh không quá cao nhưng bằng sự cố gắng và chủ động trong kế hoạch học tập ngay từ cuối năm 3 đã hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh đầu ra.

Hiện chuẩn đầu ra tiếng Anh của Trường Đại học Luật TPHCM là TOEIC 450 với hệ đại trà và 650 điểm với hệ chất lượng cao. Mức độ chuẩn này ở ngưỡng trên trung bình và tiệm cận khá theo chuẩn và thang đo quốc tế. Tuy vậy, Trường ĐH Luật TPHCM vẫn có gần 23% sinh viên không hoàn thành chuẩn tiếng Anh và phải trả nợ trong một thời gian” - ThS Hiển nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ