Bồi dưỡng vẫn “nặng” về phương pháp, kỹ năng
Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam chia sẻ: Trong nhiều năm qua, việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam được Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các địa phương, nhà trường quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, trong thực tế, năng lực tiếng Anh của nhiều giáo viên Tiếng Anh chưa đạt chuẩn theo khung năng lực ngôn ngữ chung châu Âu nói chung và khung năng lực 6 bậc của Việt Nam. Giáo viên ngoại ngữ tại các trường phổ thông chưa đủ để đáp ứng theo chương trình của Bộ GD&ĐT cả về số lượng và năng lực trình độ.
Việc đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên có thực hiện hàng năm nhưng chưa đưa thành chính sách theo cơ chế bắt buộc số giờ đào tạo phát triển chuyên môn như là điều kiện nghề.
Nâng tầm vị thế của tiếng Anh trong GDPT
Nêu khó khăn, thách thức đối với công tác đào tạo giáo viên tại Việt Nam từ kinh nghiệm của
Language Link Việt Nam, ông Gavan Iacono, Giám đốc Language Link Việt Nam cho rằng: Chúng ta đang thiếu kế hoạch đào tạo mang tính chiến lược, dài hơi, thiếu khâu đánh giá, kiểm tra, bồi dưỡng sau đào tạo. Giáo viên tham gia đào tạo còn thiếu sự hỗ trợ cần thiết của các nhà trường, đơn vị quản lý. Còn một số khó khăn do hệ thống giáo dục quá chú trọng vào kết quả thi, luyện thi.
Học Anh ngữ với giáo viên nước ngoài. Ảnh minh họa: INT |
Theo ông Gavan Iacono, chúng ta cần cải tiến các quy định, chính sách, để nâng tầm vị thế của tiếng Anh trong giáo dục phổ thông. Các nhà trường, đơn vị đào tạo nên xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên lâu dài và có tính chiến lược cụ thể.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nên áp dụng việc chấm điểm học sinh theo quá trình liên tục chứ không chỉ dựa vào các kỳ thi. Khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục cả theo chiều rộng và chiều sâu. Áp dụng các hình thức đào tạo tiên tiến, linh hoạt tạo điều kiện cho giáo viên có thể tham gia đào tạo dễ dàng chủ động về thời gian, chi phí (đào tạo online, blended learning).
Theo bà Nguyễn Kim Dung, để đào tạo giáo viên hiệu quả, cần xây dựng các chính sách cụ thể theo từng thời kỳ phù hợp thực tế phát triển. Trước hết, cần nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho toàn bộ giáo viên bằng ngân sách đào tạo kèm theo các sửa đổi về chính sách trợ cấp đào tạo cho thời gian đi học, bao gồm các chính sách bắt buộc về số giờ đào tạo chuyên môn hàng năm. Xây dựng lộ trình cải cách giáo trình tiếng Anh và chính sách phân loại xếp lớp cho giáo viên theo cơ chế đạt trình độ chuẩn và phải đáp ứng số giờ đào tạo phát triển chuyên môn hàng năm.
Tạo động lực tự học, tự bồi dưỡng cho giáo viên
Để việc bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm giảng dạy Tiếng Anh cho các giáo viên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam đạt hiệu quả, ông Jacob Heinrich, Trưởng khoa tiếng Anh, Đại học RMIT đề xuất việc bồi dưỡng cần được thực hiện theo các khoá học tập trung, tách biệt với các hoạt động khác, kết hợp giảng dạy trực tuyến với tương tác chặt chẽ giữa giảng viên bồi dưỡng và giáo viên, tạo động lực tự học, tự bồi dưỡng cho giáo viên.
Ông Jacob Heinrich cũng chia sẻ việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ học của người học rất quan trọng trong việc đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt đối với việc nâng cao năng lực ngoại ngữ. Kết quả đánh giá thường xuyên là thông tin giúp người học và người dạy điều chỉnh chiến lược và trọng tâm học và dạy, hướng tới mục tiêu cần đạt.