Dạy học trong “trạng thái mới” tại Quảng Bình: Thầy cô nhận vất vả về mình

GD&TĐ - Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh cụ thể, một số địa phương tại Quảng Bình đã lựa chọn hình thức dạy học phù hợp kể từ sau ngày 30/9.

Giáo viên hướng dẫn các em học tập.
Giáo viên hướng dẫn các em học tập.

Một số trường học dạy học theo hình thức trực tiếp; kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong năm học 2021 - 2022.

Chia lớp, bảo đảm phòng chống dịch

Tại huyện Tuyên Hóa, việc áp dụng hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến và kết hợp giữa 2 hình thức dạy học này được triển khai với từng địa bàn. Toàn huyện có 16 trường tiểu học và 13 trường THCS, tiểu học - THCS dạy học trực tiếp; các trường còn lại áp dụng hình thức học trực tuyến và kết hợp. Hiện tại, bậc học mầm non trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn tạm dừng việc học vì một số trường được sử dụng làm cơ sở cách ly y tế tập trung cho công dân trở về từ các tỉnh phía Nam.

Cùng với các trường học trên địa bàn Tuyên Hóa, Trường Tiểu học số 1 Đồng Lê bắt đầu học trực tiếp từ ngày 4/10 cho 522 học sinh. Theo cô Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng nhà trường, 100% lớp học tại trường đều có sĩ số trên 25 nên phải chia làm 2 ca sáng và chiều để đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch Covid-19.

“Mặc dù đã thực hiện chương trình giảm tải theo quy định, thế nhưng khó khăn của việc dạy học trực tiếp là phải chia lớp để bảo đảm vừa dạy học vừa an toàn phòng chống dịch. Số lượng lớp tăng, đồng nghĩa với việc giáo viên phải bố trí thời gian và thực hiện nhiều tiết dạy nên rất vất vả. Thế nhưng các trường đang nỗ lực để dạy học an toàn, hiệu quả trong năm học 2021 - 2022”, ông Phúc cho hay.

Ông Hoàng Văn Phúc – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa cho biết: Hơn 1/2 trường học trên địa bàn huyện triển khai dạy học trực tiếp, số còn lại đang triển khai dạy học trực tuyến và các hình thức phù hợp. Đối với học trực tiếp, nhà trường bố trí sĩ số không quá 25 học sinh/lớp, giữ khoảng cách trong lớp học 1,5m. Các lớp học lệch giờ để tránh trình trạng các em tập trung đông trước cổng trường và lúc ra chơi.

Cùng với đó, mỗi trường giao cho cán bộ, giáo viên kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn các em rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Đối với trò đang mắc kẹt tại các địa phương; đang thực hiện cách ly sau khi trở về từ vùng dịch, nhà trường bố trí dạy trực tuyến và sẽ bổ trợ kiến thức khi các em trở lại trường.

Công tác vệ sinh, khử khuẩn được các nhà trường duy trì thường xuyên trong thời gian dạy – học trực tuyến.
Công tác vệ sinh, khử khuẩn được các nhà trường duy trì thường xuyên trong thời gian dạy – học trực tuyến. 

Linh hoạt dạy học trong trạng thái mới

Trường Tiểu học Minh Hóa, huyện Minh Hóa có 457 học sinh tại 3 điểm trường trở lại học trực tiếp từ ngày 1/10, thay vì học online với nhiều khó khăn, bất cập do thiếu thốn thiết bị, máy móc.

Cô Đinh Thị Giang - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Để bảo đảm công tác phòng chống dịch, nhà trường đã tiến hành khử khuẩn khuôn viên, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn tại các lớp học và yêu cầu học sinh đeo khẩu trang theo đúng quy định. Hiện, có 14 học sinh, trong đó 3 em đang thực hiện cách ly, 11 em mắc kẹt tại địa phương khác chưa thể trở lại trường.

“Chúng tôi phân chia học sinh theo khối để đến trường theo khung giờ nhất định, tránh tình trạng các em tập trung đông. Sau khi đo thân nhiệt, sát khuẩn các em sẽ đi thẳng vào lớp học. Do phải chia lớp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giáo viên phải dạy gấp đôi số tiết so với bình thường nên không tránh khỏi mệt mỏi. Tuy nhiên, nhà trường, giáo viên đang nỗ lực, cố gắng để  thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học trong năm học mới”, cô Giang cho biết.

Ông Đinh Tuấn Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa thông tin: Là huyện miền núi, tỷ lệ học sinh thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khá cao nên việc tiếp cận công nghệ trong học tập còn hết sức khó khăn, do đó việc quay trở lại học tập trực tiếp sẽ giảm bớt khó khăn cho cả giáo viên và học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy.

Các trường học đều tổ chức phân luồng lối đi, bố trí lệch giờ đón, trả học sinh, cử cán bộ đo thân nhiệt cho giáo viên và học sinh ngay tại cổng và chia lớp (mỗi lớp không quá 25 em)… Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp sạch sẽ, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Cũng theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa, mặc dù học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đã quay lại trường học từ ngày 1/10, nhưng đến nay vẫn còn 120 em ở hai cấp học chưa thể đến trường do bị mắc kẹt ở các địa phương có dịch.

Chính vì thế, ngành Giáo dục huyện chỉ đạo các trường kết hợp giảng dạy cả hình thức trực tiếp và hình thức trực tuyến cho các em. Đồng thời, giao cho giáo viên theo dõi, nắm tình hình, khi nào các em về và hoàn thành cách ly, sẽ bổ trợ kiến thức  khi các em trở lại trường.

Quảng Bình đang tập trung các giải pháp nhằm chuyển trạng thái bình thường mới. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, các trường học đã và đang chuẩn bị sẵn sàng các phương án để triển khai hoạt đông dạy học phù hợp, với quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt, tận dụng mọi điều kiện để thực hiện nhiệm vụ năm học.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Cần được cổ vũ, khích lệ

GD&TĐ - Những tối cuối tuần qua (từ ngày 3 - 5/5), khán giả tấp nập tới Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội).
Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...