Tăng giờ học, giảm tải nội dung
Trên thực tế, nếu phải thực hiện giãn cách thì việc triển khai học trực tuyến đối với một số tỉnh miền núi là vô vàn khó khăn. Xác định học sinh được đến trường học trực tiếp là khoảng “thời gian vàng”, do đó nhiều trường học tại miền núi đã tận dụng tối đa để triển khai các hoạt động dạy học.
Trước đây, học sinh Trường THCS Đoàn Kết (Lai Châu) thường học chính khóa vào buổi sáng. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 9, nhà trường đã xây dựng thêm lịch học chính khóa vào buổi chiều (tùy từng thời điểm phù hợp).
Thông qua kênh zalo của nhóm lớp, giáo viên chủ nhiệm đã kịp thời triển khai, thông tin, tuyên truyền để phụ huynh nắm rõ chủ trương, phối hợp tạo điều kiện cho con em học tập.
Theo anh Đặng Văn Hà, hiện có con đang theo học tại Trường THCS Đoàn Kết cho biết, ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm đã thông tin đến gia đình từng học sinh để khảo sát về việc đảm bảo thiết bị học trực tuyến. Từ ngày 13/9 thì trường bắt đầu triển khai tăng cường học chính khóa vào buổi chiều, với 3 môn: văn, toán, ngoại ngữ.
“Mặc dù có tăng cường thêm thời gian, nhưng tôi thấy không quá tải đối với cháu nên gia đình hoàn toàn ủng hộ. Tôi thấy đây là giải pháp thiết thực, vì không phải gia đình nào cũng có đầy đủ điều kiện cho con học trực tuyến, học trực tiếp vẫn là hiệu quả nhất” – anh Hà cho hay.
Cùng là “vùng xanh”, hiện nay 100% các cơ sở trường học tại Điện Biên đang triển khai cho học sinh học trực tiếp. Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương, thì ngành đã giao quyền chủ động cho các đơn vị ngay từ đầu năm học, để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với đặc thù từng vùng.
Trong đó, việc giảm tải được các trường bố trí với mục tiêu tăng thời lượng rèn kỹ năng, ôn tập. Giảm tải và không tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung: học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện; những nội dung học sinh tự thực hành, thí nghiệm được giao hoàn thành tại nhà.
“Ngành cũng chỉ đạo các trường không tổ chức hoạt động chào cờ, ngoại khoá, thể dục thể thao tập trung đông người khi không đảm bảo khoảng cách theo quy định trong phòng, chống dịch. Lịch học, thời khoá biểu của cán bộ giáo viên, giảng viên và học sinh được các cơ sở bố trí linh hoạt dựa trên thực tế. Nhưng dù triển khai theo phương án nào, thì vẫn phải ưu tiên đảm bảo nội dung cốt lõi, căn bản của chương trình” – ông Đoạt cho hay.
Sẵn sàng “chuyển trạng thái” khi “chuyển màu”
Để không bị động trước những diễn biến của dịch bệnh, ngành Giáo dục Lai Châu đã chỉ đạo các trường chủ động rà soát điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến của học sinh, xây dựng phương án tổ chức dạy học ứng phó. Đồng thời, phối hợp với nhà mạng chuẩn bị phần mềm, đường truyền phục vụ tổ chức dạy trực tuyến.
Cuối tháng 9 vừa qua, hơn 140 cán bộ, giáo viên các trường THCS, THPT của địa phương này cũng đã tham gia tập huấn về tổ chức dạy học trực tuyến do Bộ GD&ĐT tổ chức. Qua đó, nắm vững quy trình tổ chức, đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá; cách thức chuyển thể từ giáo án dạy trực tiếp sang trực tuyến phù hợp với điều kiện cụ thể.
Trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra, các trường thuộc vùng cam, đỏ sẽ tổ chức dạy học trực tuyến đối với những nơi có đủ điều kiện học trực tuyến, trong đó ưu tiên tổ chức cho học sinh cuối cấp.
Còn tại tỉnh Điện Biên, theo ông Nguyễn Văn Đoạt, ngay từ đầu năm học, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch với 4 kịch bản và phương án tổ chức theo từng cấp độ: Trạng thái bình thường, địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và trạng thái bình thường mới.
Tại huyện biên giới Nậm Pồ, mặc dù hiện nay đang triển khai tổ chức dạy học trực tiếp đối với 100% cơ sở giáo dục. Song theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng cho biết: Hiện nay các trường học đều đã hoàn tất xong kịch bản để sẵn sàng chuyển trạng thái nếu địa phương thực hiện giãn cách hoặc xuất hiện F0.
“Những khu vực thuận lợi, học sinh có đầy đủ thiết bị thì sẽ triển khai học trực tuyến. Vướng mắc nhất vẫn là học sinh vùng khó thì phương án là giáo viên sẽ triển khai giao nội dung, bài tập trực tiếp tại nhà. Để triển khai có hiệu quả thì việc nâng cao nhận thức của phụ huynh trong việc quản lý, nhắc nhở con em mình học tập là hết sức quan trọng” – ông Chiến cho hay.
Theo đại diện ngành GD&ĐT Điện Biên, khi học sinh các cấp trở lại học tập bình thường tại trường, cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn nội dung cần thiết, phù hợp với thời gian còn lại của năm học để hướng dẫn giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch phù hợp.