Chuẩn bị cúng giao thừa như thế nào cho đúng?

Ý nghĩa của lễ cúng giao thừa là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

Chuẩn bị cúng giao thừa như thế nào cho đúng?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cúng giao thừa hay còn gọi là cúng trừ tịch. Thông thường, người ta tiến hành cúng ngoài trời, cúng trước cửa nhà hoặc trước sân nhà.

Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt nam theo cổ lệ có làm lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa.

Lễ thường được tiến hành vào giờ Chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm 30 tháng Chạp.

Mục đích của lễ cúng theo quan niệm tín ngưỡng xưa là để tiễn các quan hành khiển, hành binh, phán quan cũ và đón các ông quan hành khiển, hành binh, phán quan mới. 

Vì vậy, trong bài khấn cúng thì sau khi nêu lý do, người ta khấn tiễn quan cũ và khấn đón quan mới, cầu mong các ông quan đem đến một năm an khang, thịnh vượng cho gia đình năm mới.

Đồng thời, mục đích khác là cúng báo với các quan hoàng thiên, hậu thổ, các quan thần thổ địa sở tại và trình bày với tổ tiên.

Mâm cỗ cúng giao thừa ở 3 miền:

Mâm cỗ Tết miền Bắc, đặc biệt là mâm cỗ Tết của người Hà Nội thường rất bài bản theo đúng nét cổ truyền của dân tộc. Mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương.

Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Cỗ ngày xưa phải bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng, đi cùng với bát chiết yêu và đĩa cây mai.

Chuẩn bị cúng giao thừa như thế nào cho đúng? - Ảnh 1


Bốn bát gồm một bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm một bát su hào thái chỉ ninh kỹ, một bát chim hầm để nguyên cả con, một bát gà tần hay nhiều gia đình giàu có xưa còn bày thêm bào ngư, vi cá để mâm cỗ thêm đầy đặn, sang trọng.

Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế. Thậm chí nhiều gia đình còn bày thêm đĩa thịt đông - món ăn đặc trưng cho những ngày lạnh miền Bắc, đĩa giò thủ, đĩa xào hạnh nhân, đĩa cá kho riềng, đĩa nộm su hào hoặc nộm rau cần và nem rán.

Bánh Tết ở miền Bắc phổ biến nhất là bánh chưng ăn kèm dưa hành. Món tráng miệng có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho... Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ nên mâm cỗ Tết vừa đa dạng, hài hòa, lại đẹp mắt.

Mâm cỗ Miền Trung

Chuẩn bị cúng giao thừa như thế nào cho đúng? - Ảnh 2


Mâm cỗ có cả bánh chưng, bánh tét và có nhiều món ăn được chế biến gồm đủ các thành phần để có bữa cỗ “hào soạn” gồm: đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram…

Ngoài ra, ở nhiều nơi, người ta còn làm cả các món: Cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay các món đặc biệt xà lách gân bò, chả tôm, nem lụi… để dâng lên tổ tiên ngày tết.

Mâm cỗ miền Nam

Cỗ tết thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Cỗ có bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô), thêm bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa); đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ