Sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), EU bắt đầu một nhiệm kỳ mới (5 năm) nên phải bố trí lại nhân sự vào những cương vị quyền lực chủ chốt là chủ tịch Ủy ban EU, chủ tịch Hội đồng các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên EU, gọi tắt là Hội đồng EU, các cao ủy phụ trách những lĩnh vực chuyên môn khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là đặc phái viên phụ trách đối ngoại.
Đối với NATO, đó là việc bầu tổng thư ký mới thay thế ông Jens Stoltenberg. Người này vốn đã kết thúc nhiệm kỳ Tổng thư ký NATO từ nhiều tháng nay nhưng được đề nghị làm tiếp thêm một thời gian vì xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như vì các thành viên NATO chưa nhất trí được với nhau về nhân sự thay thế.
Bây giờ, dàn lãnh đạo của EU và NATO cho nhiệm kỳ mới đã lộ diện. Chủ tịch đương nhiệm của Ủy ban EU Ursula von der Leyen được đề cử tiếp tục tại nhiệm. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa được chọn làm Chủ tịch Hội đồng EU. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas sẽ trở thành đặc phái viên của EU về đối ngoại. Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte sẽ kế nhiệm ông Stoltenberg.
Ở cuộc bầu cử EP vừa rồi, phe cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa trong EU trỗi dậy mạnh mẽ và thắng lớn. Bà Von der Leyen tiếp tục tại nhiệm vì liên minh này muốn thể hiện là EU vẫn ổn định và tiếp tục đường hướng chính sách lâu nay cho dù cục diện quyền lực chính trị trong EP đã có thay đổi khá nhiều.
Đồng thời EU kiên định quyết tâm đẩy lùi sự trỗi dậy và thắng thế của các đảng phái, lực lượng chính trị thuộc cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa trong chính nội bộ tổ chức này. Ông Costa và bà Kallas được để ý đến vì như thế sẽ giúp EU tạo nên sự cân bằng giữa các vùng miền khi phân bổ các cương vị quyền lực trong nhiệm kỳ mới.
Cả bà Kallas lẫn ông Rutte đều đặc biệt nổi bật trong thời gian vừa qua trên phương diện ủng hộ Ukraine và cứng rắn với Nga. Về đối ngoại và an ninh, EU và NATO đều xác định ưu tiên chính sách và chiến lược hàng đầu bây giờ là hậu thuẫn Ukraine. Cho nên có thể thấy được ở đây cả hai người này đều được coi là sự lựa chọn nhân sự tốt nhất, tạo nên cặp bài trùng hoàn hảo về chính sách đối ngoại và an ninh của EU và NATO.
Sự dàn xếp nhân sự này đặc biệt quan trọng đối với EU và NATO vì cả hai cần dùng nó để gây dựng và củng cố sự đồng thuận, thống nhất trong nội bộ. Cả hai đều ý thức được rằng chỉ khi nội bộ được như thế thì EU và NATO mới có được đủ tiềm lực thực tế để ứng phó kịch bản rất có thể sẽ xảy ra là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trở lại cầm quyền ở nước Mỹ.