Chưa 'giữ chân' được nhân tài!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ lâu, việc trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể hiện qua nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đã được ban hành.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo dự thảo Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2045, từ 2021 đến 2025, 100% bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược và thực tiễn.

Từ năm 2026 đến 2030, 100% bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ nhân tài tối thiểu từ 2 - 5% trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10 - 15% trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc thực hiện gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 sẽ tập trung hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ thể chế pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài, bảo đảm đồng bộ với quy định về công tác cán bộ của Đảng và bước đầu triển khai thực hiện thí điểm ở một số bộ, ngành, địa phương... Đến giữa năm 2025 tổ chức sơ kết giai đoạn 1. Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tập trung triển khai thi hành Chiến lược đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở...

Để thực hiện mục tiêu này, dự thảo Đề án đưa ra các nhóm giải pháp như hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành chính sách pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài. Nâng cao nhận thức về nhân tài; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng gắn với tạo nguồn nhân tài; tạo môi trường, điều kiện làm việc; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và cuối cùng là hợp tác quốc tế.

Từ lâu, việc trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể hiện qua nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đã được ban hành như ưu tiên tuyển thẳng vào biên chế, cấp nhà, chính sách lương và hỗ trợ ban đầu...

Tuy nhiên, thực tế, các chính sách này chưa phát huy hiệu quả, chưa “giữ chân” được nhân tài. Ví dụ điển hình là tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... dù đã rất nỗ lực triển khai nhưng kết quả đạt được rất hạn chế, thậm chí có thể coi là thất bại.

Vậy vì sao thu hút nhân tài chưa đạt như kỳ vọng dù đã có nhiều chính sách được ban hành? Câu trả lời là do các quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài mới chỉ mang tính nguyên tắc và còn tản mát ở nhiều văn bản.

Nội dung các quy định cũng chưa hợp lý, mới chỉ đề cập đến các ưu tiên, ưu đãi, trong khi những vấn đề cốt lõi như cách thức sử dụng nhân tài, môi trường làm việc, sự thăng tiến... lại chưa được thể chế hóa.

Đặc biệt, nhận thức cũng như cách thức triển khai chính sách thu hút nhân tài chưa sâu sát, chưa thống nhất, đồng bộ, mỗi nơi triển khai một kiểu hoặc không coi trọng, hoặc tùy thuộc vào khả năng, điều kiện của từng bộ, ngành, địa phương. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu quy hoạch mang tính đồng bộ.

Nghị quyết Đại hội XIII định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đã nhấn mạnh tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài...

Tuy nhiên, từ thực tế đã và đang diễn ra cho thấy cần có sự thay đổi trong tư duy, nhận thức và cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài. Bởi với đối tượng đặc thù như người tài, chế độ lương bổng và những ưu đãi khác dù quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định duy nhất có thể thu hút và giữ chân họ mà quan trọng nhất là cơ hội được trao, là môi trường để chứng tỏ và thể hiện năng lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.