Thu hút, trọng dụng nhân tài: Tín hiệu tích cực của giáo dục Đại học

GD&TĐ - Các trường đại học tự chủ đang thực hiện nhiều chính sách thu hút người giỏi và lực lượng GS, PGS đầu ngành.

Sinh viên và giảng viên trẻ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM được nhà trường tạo điều kiện tối đa cho NCKH.
Sinh viên và giảng viên trẻ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM được nhà trường tạo điều kiện tối đa cho NCKH.

Với mong muốn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) cùng gia tăng mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, các trường đại học tự chủ đang thực hiện nhiều chính sách thu hút người giỏi và lực lượng GS, PGS đầu ngành. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển chung của hệ thống giáo dục đại học.

Xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng

Tại hội nghị tổng kết năm học khối giáo dục đại học mới đây, Bộ GD&ĐT cho biết tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31/12/2021 là hơn 85.000 người, với quy mô hệ thống hiện có là 232 trường đại học.

Trong đó, số giảng viên có chức danh GS đang tham gia giảng dạy chiếm tỷ lệ 0,89%; số giảng viên là PGS là 6,21%. Giảng viên có trình độ TS là 25,19%; trình độ ThS là 60,35% và giảng viên trình độ đại học là 7,36%. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, đánh giá, con số giảng viên có học hàm GS, PGS nói trên vẫn thấp so với nhu cầu trong nước và khu vực. Vì vậy, theo bà Thủy, các trường cần quan tâm, nghiêm túc đầu tư và xây dựng nguồn lực nội bộ để gia tăng đội ngũ này trong tương lai, nhằm cải thiện chất lượng giáo dục đại học.

Thực tế, để thúc đẩy các hoạt động học thuật, NCKH và gia tăng chất lượng giảng dạy, từ vài năm trở lại đây, các trường đại học theo cơ chế thí điểm tự chủ và khối tư thục đã xây dựng và thực hiện chính sách thu hút người giỏi rất mạnh mẽ.

Các trường như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Lạc Hồng, ĐH Ngoại ngữ - Tin học, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM… ngoài tặng khoản tiền hỗ trợ lần đầu từ 100 - 500 triệu đồng với các GS, PGS trẻ, đầu ngành về với trường, còn có cơ chế khen thưởng, khuyến khích và hỗ trợ hoạt động NCKH với mức chi từ 50 - 150 triệu đồng/bài báo khoa học đăng trên tạp chí danh tiếng quốc tế.

TS Phan Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho biết, trước khi xây dựng cơ chế tự chủ, việc thu hút các nhà khoa học, giảng viên có học hàm GS, PGS chưa mạnh. Việc thu hút người giỏi là bài toán không hề dễ nếu như nhà trường chỉ đảm bảo được các điều kiện và môi trường làm việc, nghiên cứu nhưng lại không thể song hành các chính sách đãi ngộ tương xứng.

“Do đó, ngay khi tự chủ, trường có nhiều thay đổi từ nguồn thu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu… cho đến việc đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo. Nhà trường cũng tham gia sâu vào các dự án nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, Nhà nước… với lực lượng nòng cốt là những GS, PGS đầu ngành. Ngoài gia tăng sức hút từ môi trường nghiên cứu, làm việc cho đội ngũ giảng viên giỏi, các nhà khoa học thì việc thêm các chính sách tài chính (thông qua khen thưởng, hỗ trợ nghiên cứu) đã tạo động lực rất lớn giúp trường giữ chân người tài”, TS Phan Hồng Hải cho biết.

Giờ thực hành của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Giờ thực hành của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Có chiến lược phát triển bài bản

Nói về chính sách thu hút người giỏi và có học hàm GS, PGS về với trường công tác, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - nhìn nhận, những nhà khoa học, thuần túy đam mê NCKH thì tiền và các chế độ phúc lợi đôi khi không tạo ra “điểm nhấn ấn tượng” bằng các chiến lược phát triển, tầm nhìn dài hạn của chính sách nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

“Thực tế, nhiều GS, PGS khi quyết định về công tác tại trường ngoài các điều kiện ưu đãi về phúc lợi thì quan tâm lớn nhất chính là môi trường học thuật, nghiên cứu mới có thể giúp họ khai phá và phát triển hết khả năng hay không. Yếu tố này đóng vai trò lớn trong lựa chọn của một nhà khoa học giỏi, đầu ngành khi về với trường”, TS Thanh nói.

Tất nhiên để thu hút, giữ chân người giỏi, theo TS Thái Doãn Thanh cần tổng hòa của nhiều yếu tố cùng chiến lược phát triển của nhà trường. Ở đó, đội ngũ giảng viên các nhà khoa học đóng vai trò nòng cốt của mọi kế hoạch đào tạo, nghiên cứu theo đơn đặt hàng và chuyển giao công nghệ.

“Để đảm bảo đội ngũ giảng viên, nhà khoa học yên tâm công tác, phục vụ toàn tâm cho hoạt động giảng dạy, NCKH, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM ngoài việc đầu tư mạnh hệ thống phòng thí nghiệm, còn có cải cách về tiền lương lần 2 khi gia tăng thu nhập đáng kể cho đội ngũ (tăng từ 12 - 23% tùy vị trí và học hàm).

Ngoài mức hỗ trợ từ 75 - 150 triệu đồng/lần theo học hàm khi đội ngũ giỏi về trường công tác, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, số lượng đội ngũ có học hàm GS, PGS của trường vào khoảng 60 người (hiện 32 người). Cùng với đó là thành lập thêm các nhóm nghiên cứu mạnh, nhận đặt hàng nghiên cứu từ các sở, địa phương và Nhà nước để tạo ra môi trường nghiên cứu sâu và mạnh mẽ cho đội ngũ giảng viên giỏi. Từ đó, thúc đẩy sự gắn kết cho đội ngũ và nhà trường”, TS Thanh nói.

Để tạo điều kiện cho người giỏi, đội ngũ GS, PGS phát huy tối đa tiềm năng của mình, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho giảng viên được lựa chọn tỷ lệ NCKH và giảng dạy theo nhu cầu. Trường cũng hỗ trợ tối đa các điều kiện, cơ hội để các nhóm nghiên cứu, nhà khoa học có thể cạnh tranh sòng phẳng, ứng tuyển nhận đặt hàng nghiên cứu các đề tài trọng điểm cấp Bộ và Nhà nước.

“Một GS hay PGS khi về Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có thể lựa chọn 75% thời gian trong năm cho NCKH và 25% cho giảng dạy, hoặc ngược lại, hay 50 - 50%. Quan điểm của nhà trường là phải tạo cho đội ngũ giảng viên giỏi, nhà khoa học tài năng không gian và môi trường nghiên cứu đúng nghĩa.

Ngoài mức lương cơ bản hàng tháng đảm bảo ổn định cho đời sống thì điều quan trọng, cốt lõi nhất mà nhiều năm qua trường hướng tới chính là xây dựng được môi trường NCKH cạnh tranh, đẳng cấp với khu vực để tạo sự gắn kết toàn diện giữa nhà trường và đội ngũ giảng viên, nhà khoa học”, PGS.TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng phụ trách cho biết.

GS Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM - cũng nhìn nhận, trong bối cảnh mà Nhà nước và Bộ GD&ĐT đang có chính sách mở rộng tự chủ đại học thì việc xây dựng các cơ chế thu hút và đãi ngộ người giỏi từ các trường là xu hướng tất yếu. Những trường đại học khi tự chủ, chắc chắn sẽ có tiềm lực về tài chính cùng nhiều chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nội bộ để đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cũng như chế độ thu hút, đãi ngộ đối với lực lượng này. “Đây là một sự “cạnh tranh” lành mạnh để giúp các trường vươn lên, nâng cao chất lượng đội ngũ của mình, cũng như thúc đẩy gia tăng hàm lượng NCKH và chất lượng đào tạo cho toàn hệ thống”, GS Hồ Đắc Lộc khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.