Chưa có bằng chứng khoa học nào về vắc xin Covid-19 ảnh hưởng sức khỏe trẻ em

GD&TĐ -Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin Covid-19 ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn và các đại biểu kiểm tra công tác ứng phó khi có các phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 . Ảnh: Trần Minh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn và các đại biểu kiểm tra công tác ứng phó khi có các phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 . Ảnh: Trần Minh.

Mới đây, tại lễ phát động hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" do Bộ Y tế phối hợp với UNICEF và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam đã có xấp xỉ 100% người dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đầy đủ liều cơ bản Vắc xin phòng Covid-19; 85,4% trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1.

Nước ta đang bước vào giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", phục hồi và phát triển kinh tế, khôi phục đời sống văn hóa, xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ, nhớ lại những ngày khó quên vào tháng 2/2020, xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc là ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam. Khi đó thế giới hiểu biết còn rất hạn chế về dịch bệnh và chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị, tỉnh Vĩnh Phúc đã phải cách ly, phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi trong vòng 21 ngày, người dân hoang mang, lo sợ, chính quyền các cấp phải vào cuộc rất quyết liệt mới kiểm soát được dịch bệnh.

Hay vào những ngày này năm 2021, các thầy cô và các em học sinh phải dạy và học trực tuyến, học sinh không được đến trường, cộng đồng, các trường học không thể tổ chức Tết Trung thu cho các cháu.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tại Vĩnh Phúc Ảnh: Trần Minh.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tại Vĩnh Phúc Ảnh: Trần Minh.

"Chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả ứng phó với dịch Covid-19. Đại dịch chưa có tiền lệ đã để lại những mất mát không thể bù đắp: con mồ côi cha mẹ, vợ mất chồng, các di chứng do nhiễm bệnh, người lao động mất việc làm, nhiều doanh nghiệp phá sản, thầy cô, cha mẹ học sinh luôn lo lắng, bất an khi con em không được đến trường và phải học trực tuyến với những hạn chế, khó khăn rất thiệt thòi cho các em học sinh...", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, bài học kinh nghiệm qua hơn 2 năm phòng chống dịch và cho đến nay Tổ chức Y tế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các quốc gia vẫn tiếp tục khẳng định tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, kể cả đối với các biến chủng mới.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng Covid-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân và trẻ em. Tuy nhiên hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh để tiếp tục kiểm soát được dịch Covid-19, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các em học sinh được đến trường học tập bình thường, an toàn, để phụ huynh học sinh, thầy cô giáo yên tâm, không lo lắng, chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong việc tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhằm chung tay phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, nhân dịp năm học mới 2022-2023 và Tết Trung thu năm 2022, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm chủng Vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em cả nước với chủ đề "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" với mong muốn mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được tạo điều kiện tiêm vắc xin để có miễn dịch chủ động với dịch bệnh, để có thể vui chơi, học tập và sinh sống an toàn đồng thời nhằm hỗ trợ các địa phương đạt được mục tiêu tiêm chủng vắc xin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ