Chưa áp cách tính thuế hỗn hợp đối với rượu, bia để đảm bảo cạnh tranh

Chính phủ đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính về việc chưa áp cách tính thuế hỗn hợp với rượu, bia.

Cách tính thuế tương đối sẽ làm người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn.
Cách tính thuế tương đối sẽ làm người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn.

Chưa áp dụng cách tính thuế hỗn hợp đối với rượu, bia

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Tờ trình ngày 6/2/2024 của Bộ Tài chính và hồ sơ liên quan kèm theo.

Cụ thể, Chính phủ thống nhất chưa bổ sung vào Chính sách 5 của đề nghị xây dựng luật nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Về tiến độ trình dự án luật, nghị quyết nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025.

Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật và gửi Bộ Tư pháp tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Trước đó, một trong những quy định khiến giới kinh doanh và các chuyên gia băn khoăn trong đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này là việc có nên bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối và phương pháp tính thuế hỗn hợp hay không?

Theo TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), tính thuế tương đối, tuyệt đối hay hỗn hợp là các phương pháp đều có những ưu, nhược điểm nhất định.

Do đó, ông Phụng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí… trên cơ sở đó mà đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.

Theo ông Phụng, phương pháp tính thuế tuyệt đối có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, nhiều quốc gia đã áp dụng nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhược điểm lớn là không bắt kịp được sự biến động của giá cả khi có lạm phát hoặc giảm phát.

Mặt khác, hiện chúng ta chưa áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp hay tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia nên ưu điểm của cách này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chứ thực tiễn chưa chứng minh được.

Áp thuế theo phương án hỗn hợp là chưa phù hợp

Cũng theo ông Phụng, thị trường bia Việt Nam đang có chênh lệch lớn giữa giá bán sản phẩm bình dân và phân khúc giá cao.

Nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối trên số lít sản phẩm, giá của các dòng cao cấp sẽ lợi hơn, trong khi giá của dòng phổ thông (doanh nghiệp Việt chiếm phần lớn) sẽ bị đẩy lên. Do đó sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất bia thương hiệu Việt.

TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính).
TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính).

"Ví dụ, một lít bia Heineken tính thuế 10.000 đồng, một lít bia hơi cũng đánh 10.000 đồng thì các bạn hình dung xem người tiêu dùng có chấp nhận cốc bia ta đang uống cộng thêm 10.000 đồng tiền thuế là 20.000 đồng không?", ông Phụng đặt câu hỏi.

Theo tính toán của ông Phụng, với phương án hỗn hợp thì thuế tiêu thụ đặc biệt của sản phẩm bia cao cấp sẽ tăng từ 65% lên 75%. Trong khi đó, bia bình dân hiện nay đang là 65% sẽ tăng lên 85%. Như vậy, người tiêu dùng có thu nhập thấp lại chịu thuế lớn hơn người có thu nhập cao.

"Trên cơ sở đó, tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, chúng ta áp thuế theo phương án hỗn hợp là chưa phù hợp. Nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà gây nên sự xáo trộn, mang lại thu nhập nhãn hàng Việt Nam ít đi, nhãn hàng nước ngoài lại cao lên thì phải hết sức cân nhắc", ông Phụng nói.

TS Nguyễn Văn Phụng cho rằng, phương pháp tính thuế nào là sự lựa chọn của mỗi quốc gia, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

"Việc lựa chọn các phương án sẽ do Quốc hội quyết định trên cơ sở lắng nghe ý kiến của người dân và bài toán cân đối giữa sản xuất - tiêu dùng, trước mắt - lâu dài, hiện tại - tương lai", TS Nguyễn Văn Phụng chia sẻ.

Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Văn Phụng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng phương pháp tính thuế truyền thống (tương đối) theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán thì sẽ hợp lý, hiệu quả và thiết thực hơn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng cho rằng, trên thị trường Việt Nam hiện nay có sự chênh lệch giá bán rất lớn giữa dòng sản phẩm cao cấp, bình dân và phổ thông.

Do đó, việc áp dụng thêm mức thuế tuyệt đối tạo sự mất công bằng lớn trong ngành bia Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp trong ngành phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều hơn, bị mất lợi thế cạnh tranh trong khi Heineken chiếm khoảng 38% thị phần về sản lượng và ước tính trên 51 % về doanh thu toàn ngành lại hưởng nhiều ưu đãi về thuế.

"Chính sự mất công bằng vô lý này sẽ làm cho các doanh nghiệp ngành bia Việt Nam lâm vào cảnh thua lỗ, dẫn tới phá sản và không còn động lực đầu tư mà chỉ có phía Heineken mới có động lực đầu tư mở rộng để thôn tính thị trường bia Việt Nam", ông Hải nhấn mạnh.

"Chúng ta có nên ban hành một chính sách mà vô tình chỉ làm lợi cho một doanh nghiệp mà thiệt hại cho cả ngành sản xuất bia thương hiệu Việt và thiệt hại cho cả ngân sách Nhà nước, người tiêu dùng hay không", ông Hải nói thêm.

Vì vậy, theo ông Hải, xét theo thực tiễn thì tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tương đối là khả thi nhất, đơn giản và công bằng nhất.

Áp chung một mức thuế là không công bằng

Cũng góp ý liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với phương án giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp với khuyến nghị của WHO.

Theo ông Hòa, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng thì cần hạn chế điều chỉnh những chính sách tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, ông cho rằng lúc này Nhà nước cần giữ nguyên cách tính thuế hiện tại và tăng theo lộ trình.

"Việc giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình là phù hợp với các doanh nghiệp và bối cảnh kinh tế lúc này", ông Hòa nói.

Trong khi đó, phân tích về phương án 2, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, việc bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia là không công bằng với tất cả các doanh nghiệp trong ngành.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, mỗi doanh nghiệp đều có năng lực sản xuất kinh doanh, thị trường khác nhau và giá bán sản phẩm cũng không giống nhau vì thế không thể áp chung một mức thuế như nhau, sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng, không công bằng.

"Việc áp một mức thuế tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia là không phù hợp vì mỗi công ty đều có năng lực, thị trường và giá bán sản phẩm khác nhau. Ví dụ như bia Heineken giá bán 460.000 đồng mỗi thùng thì họ phải chịu thuế suất với mức giá đó, còn bia Sài Gòn hay bia Hà Nội giá 300.000 đồng mỗi thùng thì làm sao họ lại phải chịu thuế suất với giá bán 460.000 đồng được", ông Hòa phân tích.

Do đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề nghị có cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý để đảm bảo tính cạnh tranh và công bằng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty sản xuất bia ở phân khúc thấp, bình dân sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thuế là một trong những chính sách rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên phải đảm bảo nguyên tắc công bằng cho tất cả doanh nghiệp, không phân biệt lớn nhỏ.

Vì vậy, ông Thịnh đề nghị cân nhắc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế, cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí để đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, chúng ta cần đánh giá rõ hơn phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay có gì chưa tốt với mục tiêu cần đạt được là hạn chế sử dụng bia rượu và đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Nếu chính sách thuế mới không hướng đến được các mục tiêu đó thì cần cân nhắc việc thay đổi phương pháp", ông Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thịnh, để hướng đến mục tiêu hạn chế sử dụng bia, rượu thì nên điều chỉnh tỷ lệ phần trăm tính thuế và các biện pháp quản lý Nhà nước khác về xử lý người sử dụng rượu, bia không đảm bảo độ tuổi, tham gia giao thông chứ cũng không nên lấy nguyên nhân đó làm lý do chính để tăng thuế, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

"Phương án nào tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong ngành bia thì chúng ta cần được ưu tiên", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi hậu quả của đại dịch Covid-19 khiến doanh thu và lợi nhuận ngành bia sụt giảm mạnh, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh cho rằng chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này.

"Trong bối cảnh các doanh nghiệp nói chung, ngành bia nói riêng còn nhiều khó khăn, vì thế để họ ổn định sản xuất kinh doanh thì năm 2024 chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Thịnh nói.

Theo phapluat

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.