Thế hệ nhà văn sau năm 1975: Đưa văn học sang giai đoạn mới

GD&TĐ - Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới, nền văn học Việt Nam đã có nhiều đổi thay và đạt được nhiều thành tựu mới, trong đó có đóng góp không nhỏ của những người cầm bút xuất hiện và trưởng thành từ sau 1975.

Thế hệ nhà văn sau năm 1975: Đưa văn học sang giai đoạn mới

Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” diễn ra vừa qua tại Hà Nội là sự tổng kết và đánh giá những thành tựu của giai đoạn văn học này nói chung và thế hệ nhà văn này nói riêng.

Một thế hệ đổi mới

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, thế hệ nhà văn sau năm 1975 chính là thế hệ sáng tác khi chiến tranh đã kết thúc, khi non sông đất nước đã thu về một mối. Thế hệ này đã tiếp nối xứng đáng lớp thế hệ cầm bút trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới, họ xuất hiện để giã từ những kinh nghiệm đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, làm phong phú cho nền văn học.

Công cuộc đổi mới văn học có sự tham gia của nhiều nhà văn thuộc thế hệ trước và sau 1975, nhưng lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau năm 1975.

GS Trần Đình Sử cũng cho rằng, thế hệ nhà văn sau năm 1975 là lớp người xuất hiện để làm mới văn học, đưa văn học sang một giai đoạn mới. Họ không có gì để giữ gìn, trì kéo, không có gì để mất. Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mĩ học mới và khác, làm phong phú cho văn học dân tộc.

Kiến tạo những giá trị mới

Theo TS Chu Văn Sơn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), công cuộc đổi mới văn học có sự tham gia của nhiều nhà văn thuộc thế hệ trước và sau 1975, nhưng lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau năm 1975.

Cũng theo TS Chu Văn Sơn, khác với thế hệ thời chiến tranh, thế hệ sau năm 1975 hướng tới phát hiện cái bất thường trong cái bình thường. Vì thế, thế hệ này không ưu tiên ca ngợi hiện thực, mà ưu tiên tra vấn hiện thực. Do đó, khuynh hướng sử thi nhạt dần, nhường chỗ cho khuynh hướng thế sự và đời tư, cảm hứng lãng mạn nhường ngôi cho cảm hứng phản tư, đối thoại. Thay đổi tư duy mỹ học kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ hệ thống thi pháp và thể loại.

Tạo nên dòng chảy chung để văn học Việt hội nhập

Đối với mảng thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, các nhà thơ sau năm 1975 đã mang lại những phát hiện mới, có giá trị khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ, nỗi đau của những phận người - cái mà chỉ ít năm trước đây, không ít người làm thơ còn né tránh. Tiến sĩ Lê Hồ Quang cho hay các nhà thơ sau năm 1975 đã tạo ra một không gian thẩm mỹ mới, vượt ra khỏi “từ trường” thơ truyền thống, giúp đa dạng hóa không gian thẩm mỹ thơ Việt Nam đương đại và góp phần hình thành thị hiếu tiếp nhận thẩm mỹ mới, hiện đại.

TS Đỗ Hải Ninh, Viện Văn học cho rằng, thế hệ nhà văn sau 1975 là thế hệ nhà văn sinh vào quãng từ năm 1950 - 1960, sinh ra và lớn lên chủ yếu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, trưởng thành cùng với sự nếm trải những năm tháng hòa bình và hậu chiến nhưng chiếc áo nhà văn - cán bộ, nhà văn - chiến sĩ không mặc vừa với họ. Họ là những tác giả đi để trở về, soi ngắm và tự vấn, chính bối cảnh hậu chiến và đổi mới đã quy tụ họ về một không gian chung, nơi tập trung rõ nhất những mâu thuẫn xã hội và nghịch lý của cuộc sống. Trong từng chặng đường, hành trình của văn học đã có những chuyển động qua sự tiếp nối các thế hệ nhà văn tạo nên dòng chảy chung để văn học Việt có thể vươn tới biển lớn hội nhập.

“Công cuộc đổi mới văn học được làm nên bởi sự tiếp sức của nhiều nhà văn thuộc thế hệ trước và sau năm 1975, nhưng lực lượng đông đảo và trực tiếp nhất chủ yếu thuộc về lớp nhà văn xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau 1975”.

PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ