Cử tri quan tâm đến giáo dục: Xây dựng Chương trình SGK mới hướng tới người học

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Văn bản số 307/BDN ngày 19/7/2018. Nội dung kiến nghị cho biết cử tri đề nghị xem xét không nên quy định đưa môn học An ninh Quốc phòng vào kết quả đánh giá chung của HS THPT cuối năm, vì trên thực tế sẽ có sự chênh lệch về thể chất giữa các HS với nhau, do đó chỉ nên đánh giá đạt hoặc không đạt trong thành tích học tập cuối năm.  

Chương trình và SGK mới sẽ đáp ứng được công tác phát triển, sáng tạo của người học
Chương trình và SGK mới sẽ đáp ứng được công tác phát triển, sáng tạo của người học

Bộ GD&ĐT trả lời:

Theo quy định của Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQP-AN), GDQP-AN trong trường THPT là môn học chính khóa và tổ chức dạy và học theo phân phối chương trình.

Căn cứ Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và HS THPT, việc đánh giá kết quả học tập môn GDQP-AN bằng cho điểm đánh giá như các môn học khác.

Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ xem xét trong quá trình hoàn thiện Chương trình GDPT mới.

Ý kiến cử tri tỉnh Hà Nam gửi tới Bộ GD&ĐT, đề nghị việc thay đổi SGK theo hướng giảm tải cho HS, chú trọng GD những môn như Lịch sử, GD công dân, đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho HS để giúp HS phát triển toàn diện

Bộ GD&ĐT trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT-SGK GDPT), Ban Chỉ đạo đổi mới CT-SGK GDPT của Bộ GD&ĐT đã thông qua Chương trình GDPT tổng thể, làm căn cứ biên soạn các chương trình môn học và hoạt động GD. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổ chức thẩm định để ban hành các chương trình môn học.

Chương trình GDPT mới mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của HS; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; chú trọng GD đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường thời gian hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động xã hội.

Với CT-SGK mới được xây dựng dựa trên nguyên tắc bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung GD với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Trong đó, nội dung GD lịch sử, GD đạo đức, GD công dân và rèn luyện kỹ năng sống được chú trọng nhằm GD nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, GD ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại; đồng thời góp phần hình thành, phát triển cho HS những phẩm chất đạo đức, các năng lực giao tiếp, hợp tác, giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống, làm chủ bản thân, thực hiện trách nhiệm công dân, phù hợp với chuẩn giá trị đạo đức và quy định của pháp luật.

(còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...