Qua câu chuyện của chú Tư Dũng - Trưởng tiểu ban Giáo dục miền Nam, chúng tôi được biết gương hy sinh của chị Lê Thị Bạch Cát, quê ở Nghi Hương (Nghi Lộc). Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chị Bạch Cát tình nguyện vào Nam và được phân công về Tiểu ban Giáo dục Sài Gòn - Gia Định. Chị tham gia Thành đoàn và trong trận Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, chị dẫn đầu một đội biệt động đánh vào sào huyệt của địch ở Quận 1, chị đã anh dũng hy sinh.
Chu Cấp (bên phải) ở Mỹ Tho 1965 |
Chú Tư Dũng còn cho chúng tôi biết trong số giáo viên Nghệ An đi B năm 1964, còn có một người nữa là Chu Thành Nghệ, vào Nam Bộ được phân công về chiến trường Mỹ Tho, nơi cửa ngõ phía Tây Sài Gòn. Chu Thành Nghệ đã tham gia Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Mỹ Tho, trực tiếp làm Trưởng tiểu ban Giáo dục tỉnh.
Trong hoàn cảnh ác liệt, Chu Thành nghệ đã bám dân, bám đất, gây dựng phong trào giáo dục nơi mà thế trận ta và địch cài răng lược. Và trong một trận càn của địch, Chu Thành Nghệ bị thương ở chân, anh được bà con thu dấu ở hầm bí mật. Không may trong nội bộ có kẻ phản bội, chỉ điểm, kẻ địch đã bắt được Chu Thành Nghệ. Chúng đã giải anh đi qua 7 nhà lao trong đất liền, chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn nhưng Chu Thành Nghệ kiên quyết không khai. Cuối cùng chúng đày anh ra nhà tù Côn Đảo.
Bấy giờ, tại vùng căn cứ giải phóng, những lính mới từ ngoài Bắc vào như chúng tôi xem hai tấm gương của chị Lê Thị Bạch Cát và anh Chu Thành Nghệ như là biểu tượng anh hùng của những người giáo viên Nghệ Tĩnh đi B.
Hồi ấy, mỗi chúng tôi khi từ căn cứ đi chiến trường đều có một bí danh nhưng nghe cái tên Chu Thành Nghệ tôi cứ ngờ ngợ. Chu thì chắc là họ Chu hoặc tên là Chu lấy làm họ, còn thành có phải là người Yên Thành hoặc người Thành Vinh không. Còn Nghệ thì chắc là một cụ Đồ Nghệ nào đó ở Nghệ Tĩnh rồi. Tôi đem thắc mắc này hỏi chú Tư Dũng, chú Tư Dũng tên thật là Nguyễn Hữu Dũng, là Vụ trưởng Vụ Phổ thông ở Bộ Giáo dục vào Nam năm 1964 cùng Lê Thị Bạch Cát và Chu Thành Nghệ. Chú Tư Dũng rỉ tai cho tôi biết Chu Thành Nghệ tên thật là Chu Cấp, quê ở Hoa Thành (Yên Thành).
Anh Cấp học trên tôi hai lớp, tôi còn nhớ anh có tài câu cá chép dọc bàu xóm Che. Từ khi nghe chú Tư Dũng cho biết Chu Thành Nghệ là Chu Cấp, trong tôi luôn có một niềm vui, tự hào là quê mình có những người giáo viên kiên trung như thế. Khi xuống vùng ven sông Hậu mở các lớp sư phạm cho số trí thức trong vùng địch tạm chiếm ra, tôi thường nhắc đến tấm gương của Lê Thị Bạch Cát, của Chu Thành Nghệ.
Chu Cấp (thứ 3, trái sang) với các bạn tù ở căn cứ R |
Tôi không ngờ là sau Hiệp định Pari năm 1972, đến đầu năm 1974, tôi được gặp anh Chu Cấp bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Anh mới cùng các bạn tù từ Côn Đảo về và được trao trả tại sân bay Thiện Ngôn. Kể sao hết niềm vui của những “chiến hữu” được đón anh, được thấy Chu Thành Nghệ bằng xương bằng thịt “từ những trận chiến đấu ác liệt thắng lợi trở về”.
Những ngày sau đó, Chu Cấp tham gia Ban lãnh đạo, Ban đón tiếp cựu tù chính trị từ các nhà tù trở về và trực tiếp làm Bí thư Đoàn thanh niên Ban đón tiếp. Cơ quan của anh Chu Cấp và cơ quan Bộ Giáo dục giải phóng đều ở trong một cánh rừng dọc bờ sông Vàm Cỏ, tỉnh Tây Ninh. Anh em chúng tôi vẫn thường gặp nhau, kể cho nhau nghe chuyện nhà, chuyện quê.
Có những đêm hai anh em nằm chung một lán lợp lá trung quân giữa rừng, tôi tò mò hỏi anh: “Răng anh lại đặt bí danh là Chu Thành Nghệ?”, anh tâm sự: “Ai xuống công tác ở vùng ven đều có mật danh, mỗi người tuỳ theo sở thích của mình đặt cho mình một cái tên mới rồi báo cáo với tổ chức. Xuống chiến trường chỉ dùng bí danh, không dùng tên trong lý lịch để phòng khi bị địch bắt, nếu có bị tra tấn cũng dễ nhớ và không để lộ tung tích của mình. Một số anh em có vợ con, lấy tên vợ con ghép lại đặt làm mật danh, mình ra đi chưa có vợ con nên lấy tên quê đặt làm bí danh. Khi ở Mỹ Tho, bà con cô bác thường gọi mình là Ba Nghệ. Khi bị bắt, mình cũng khai là Ba Nghệ, có ba mẹ là công nhân đồn điền cao su, xuống Mỹ Tho làm ăn thì bị bắt. Trước đây, ở đồn điền cao su nào ở miền Nam, Cămpuchia, nơi nào cũng có người Nghệ đi phu vào đây nên cũng tạo cho mình một vỏ bọc khá kín đáo”.
Cũng có lần tôi hỏi anh: “Sao anh chịu đựng được những cực hình tra tấn của địch mà không hé răng khai báo một lời nào?”, anh cười đôn hậu: Mình lúc bị bắt mới 30 tuổi, những bạn tù của mình cũng sàn tuổi đó, có người còn trẻ hơn mà họ chịu đựng được thì mình chịu đựng được cũng là chuyện thường. Có điều, dân Nghệ nhà mình, ai cũng có một chút máu gàn, cứng đầu, ai cũng ra đi chiến đấu từ quê hương Xô Viết, quê hương Bác Hồ, quê Yên Thành mình lại có cụ Phan Đăng Lưu… nghĩ đến danh dự quê hương, gia đình, trách nhiệm của người đảng viên mà giữ trọn khí tiết. Mình lại bị bắt sau ngày Bác Hồ đi xa.
Khi ở Mỹ Tho, lúc chép lại bản tin đọc chậm Di chúc của Bác và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Duẩn đọc trong lễ truy điệu Bác, mình đọc nhiều lần đã thuộc lòng. Ra Côn Đảo mình được phân công đọc lại hai văn kiện trên cho các bạn tù ở phòng cấm cố nghe, riết rồi cả phòng đều thuộc. Thuộc cả những bài thơ của Bác trong “Nhật ký trong tù”. Những người ở tù Côn Đảo, lúc vui buồn đều nghĩ đến Bác, có chỗ dựa ở Bác, nhờ Bác mà mình vượt qua được những trận đòn ở các nhà tù trong đất liền và Côn Đảo”.
Ngày về tiếp quản Thành phố Sài Gòn – Gia Đình, Chu Cấp ở cơ quan Quận uỷ Quận 1, trên đường Hai Bà Trưng, tôi ở đường Lê Thánh Tôn, hai anh em ở gần nhau. Chu Cấp được phân công làm Quận uỷ viên, Trưởng phòng giáo dục quận, bao công việc bộn bề của ngày đầu mới giải phóng, phải lo khôi phục lại hệ thống trường lớp của quận lớn nhất ở trung tâm thành phố, vậy mà Chu Cấp vẫn giành thời gian đến với các bạn tù, về với các bà má và bà con ở Mỹ Tho nơi từng nuôi dấu anh, bảo vệ anh mấy năm trời.
Từ khi được chuyển về dạy học ở quê Nghệ “anh hùng sống giữa trần ai”, Chu Cấp được anh em suy tôn làm Trưởng ban liên lạc Hội cựu giáo viên đi B trước năm 1975 của tỉnh Nghệ An. Cái chức vụ nặng về tình mà nhẹ về mọi thứ hưởng thu. Có người nói là vác tù và hàng … tỉnh. Vậy mà Chu Cấp, với chiếc xe đạp cà tàng, kỷ vật nghĩa tình của những người bạn tù Côn Đảo như Trương Mỹ Hoa, Lê Quang Vinh tặng anh trong một lần họp mặt cựu bạn tù ra thăm Côn Đảo, ông đạp xe đi về các gia đình liệt sỹ, các chiến hữu ở rải rác khắp các huyện, cả những người nay định cư ở Điện Biên, Hà Nội, Ban Mê Thuột, Đồng Tháp, Mỹ Tho… Ông như con ong đi chắp nối tình nghĩa sâu nặng, mối tình kháng chiến của những giáo viên – chiến sỹ. Chu Cấp trong đời thường vẫn xứng đáng với các tên Chu Thành Nghệ ngày nào.
Ngô Đức Tiến