Bồi dưỡng trực tuyến chương trình, sách giáo khoa mới: Tăng tính chủ động, ý thức của giáo viên

GD&TĐ - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới công tác tập huấn giáo viên (GV) phải chuyển sang hình thức trực tuyến để bảo đảm tiến độ và phòng, chống dịch.

Các báo cáo viên NXBGD Việt Nam bồi dưỡng sử dụng SGK cho GV các địa phương từ các điểm cầu. Ảnh: NXB cung cấp
Các báo cáo viên NXBGD Việt Nam bồi dưỡng sử dụng SGK cho GV các địa phương từ các điểm cầu. Ảnh: NXB cung cấp

Cùng sự nỗ lực của đội ngũ GV, bồi dưỡng trực tuyến đã chứng tỏ ưu thế và phát huy hiệu quả trong bối cảnh hiện tại.

Lựa chọn tối ưu

Ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết: Do dịch Covid-19 phức tạp nên bồi dưỡng GV lớp 2, lớp 6 theo CT, SGK mới được ngành chuyển phương thức từ trực tiếp sang trực tuyến. Mỗi huyện có từ 8 - 10 điểm cầu, mỗi điểm cầu khoảng 10 GV. Như vậy, tỉnh sẽ có gần 1.400 GV dạy văn hóa lớp 2 tham gia.

Đánh giá cao hình thức bồi dưỡng trực tuyến, ông Hà Huy Giáp cho rằng đã có công cụ quản lý các điểm cầu bằng camera. GV không phải di chuyển xa, được tương tác với tổng chủ biên, chủ biên SGK thay vì các báo cáo viên thay thế. Những vấn đề GV cần giải thích, hỗ trợ có thể gửi yêu cầu, câu hỏi lên hệ thống, thư ký sẽ tổng hợp và chuyển tới chuyên gia tập huấn ở điểm cầu có trách nhiệm trả lời đầy đủ.

Lãnh đạo Phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng cho rằng: Chất lượng bồi dưỡng trực tuyến về cơ bản yên tâm bởi sau bồi dưỡng GV đều phải thực hiện bài kiểm tra đánh giá. “Sẽ không có chuyện GV copy bài nhau. Bởi chúng tôi yêu cầu GV soạn 1 bài giảng riêng, không ai giống ai, nếu giống sẽ bị phát hiện và xử lý. Mặt khác, có bài kiểm tra sau tập huấn trực tuyến cũng tạo động lực GV phải quan tâm thực sự đến bài giảng trực tuyến, phải nắm được chuyên gia dạy vấn đề gì, phải dự tất cả các môn trong khóa tập huấn...” – ông Giáp nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương – GV lớp 2, Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) đã tham dự khóa bồi dưỡng CT, SGK lớp 2 cuối tháng 5/2021 khẳng định: GV dù dự bồi dưỡng trực tuyến ở điểm cầu tại trường, song vẫn được Tổng chủ biên, chủ biên SGK hướng dẫn kĩ càng từng nội dung môn học. Việc nắm bắt tư tưởng trực tiếp từ “tác giả” SGK giúp GV nhanh hiểu bài, nắm được ý tưởng, mong muốn từ người viết sách. Từ đó, việc soạn bài giảng của GV đúng, trúng trọng tâm yêu cầu...

Tuy nhiên, vấn đề cô Hương cũng như nhiều GV tham dự bồi dưỡng trực tuyến quan tâm, bồi dưỡng trực tuyến sẽ hiệu quả hơn nếu GV có bản mềm tài liệu, SGK. Vừa phải theo dõi tập huấn vừa theo dõi SGK trên kho học liệu sẽ khó khăn hơn trong việc tập trung, so sánh... “Nếu có SGK bản mềm, chúng tôi được tay cầm, mắt thấy và đối chiếu dễ dàng, thuận tiện, hiệu quả hơn nhiều...” – cô Hương bày tỏ.

Với cô Nguyễn Thị Lan Hương – Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội), tập huấn bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến không gây khó khăn cho GV bởi đa số đã thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin. GV có thể tương tác với các chuyên gia trong quá trình tập huấn bằng cách gửi câu hỏi và được trả lời ngay. Thậm chí, sau bồi dưỡng nếu có yêu cầu, GV vẫn được hỗ trợ. Đặc biệt, sau bồi dưỡng trực tuyến, GV có thể nghiên cứu lại tài liệu, tiết dạy minh họa... trong kho học liệu số mà các NXB đã xây dựng kĩ càng, phong phú...

Dưới góc độ người tập huấn, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” cũng cho rằng, bồi dưỡng trực tuyến không gây khó về thao tác cho các báo cáo viên. Song về mặt cảm xúc, cảm hứng không thể bằng tập huấn trực tiếp. Tiếp xúc, trao đổi, tranh luận trực tiếp với GV...  thì cảm hứng giảng dạy, sự vận dụng, kết nối, chia sẻ... chắc chắn sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên PGS.TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định ở bối cảnh hiện nay và ngay cả khi không có dịch, bồi dưỡng trực tuyến cũng nên được khai thác hiệu quả vì tiết kiệm kinh phí, thời gian cho địa phương, GV, người tham gia tập huấn.

Tập huấn giáo viên trực tuyến tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình).
Tập huấn giáo viên trực tuyến tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình).

Nâng cao chất lượng

Cô Trần Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) trao đổi: Để nâng cao chất lượng chuyên môn cho GV sau bồi dưỡng trực tuyến nhất định phải có nhiều hoạt động hỗ trợ từ địa phương, nhà trường, tổ chuyên môn...

Cụ thể tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B, ngay sau khi GV bồi dưỡng trực tuyến, các tổ chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng giả định tiết dạy để GV toàn trường dự, trao đổi, thảo luận và cùng rút ra kinh nghiệm tháo gỡ vấn đề chưa thông suốt. Mặt khác, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu GV sau tập huấn trực tuyến phải xem lại tài liệu, bài giảng trên hành trang số, học liệu điện tử... Tiếp tục gửi câu hỏi, ý kiến vướng mắc để chuyển tới chuyên gia tập huấn giải đáp.

Sau khi bồi dưỡng trực tuyến tỉnh và huyện thường có thêm tập huấn trực tiếp giữa tác giả SGK với GV để thống nhất chung. “Để GV đáp ứng yêu cầu dạy học theo CT, SGK mới, các hoạt động trước, trong và sau bồi dưỡng trực tuyến không thể thiếu. Cần gắn trách nhiệm của GV với nhiều hoạt động hỗ trợ để có thêm cơ hội nghiên cứu sâu hơn, trao đổi thảo luận nhiều với đồng nghiệp... Bồi dưỡng trực tuyến hiệu quả tới đâu phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm từng thầy cô...” - cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình – Thái Nguyên) bày tỏ.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đưa ra lưu ý để bồi dưỡng trực tuyến đạt hiệu quả: Các tài liệu tập huấn được NXB đăng tải trên trang tập huấn, học liệu số... đầy đủ (từ sách GV, HS, bài tập, video bài giảng minh họa...). GV cần nghiên cứu kĩ trước để khi báo cáo viên trình bày sẽ hiểu sâu hơn, có nhiều cơ sở để trao đổi và hỏi hơn.

Để tăng cường tương tác trong tập huấn trực tuyến, GV cần chủ động, tích cực gửi câu hỏi vấn đề cần làm rõ tới báo cáo viên. Ngay cả khi kết thúc tập huấn nhưng vẫn còn và nảy sinh thắc mắc, GV có thể tiếp tục gửi câu hỏi để báo cáo viên trả lời, hỗ trợ cho tới khi hiểu tận tường vấn đề...
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.