Nhận diện ưu, khuyết về đội ngũ
Theo báo cáo sơ kết đánh giá công tác phát triển đội ngũ nhà giáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 - 2017 vừa tổ chức tại Hà Nội, đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là các nhà giáo giỏi được điều động sang làm công tác quản lý; đa số đạt chuẩn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao.
Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, tương đối hợp lý về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của các nhà trường.
Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo được thực hiện theo hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Viên chức. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, tổ chức chuyển xếp từ ngạch sang hạng cho giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; đánh giá viên chức để rà soát, sàng lọc và tinh giản theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Trung ương và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Công tác quy hoạch, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm đội ngũ được tăng cường và thực hiện khá tốt, nhiều địa phương đã có những phương án bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học một cách linh hoạt để tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả biên chế, chế độ, chính sách cho nhà giáo được bảo đảm. Một số địa phương làm tốt như Lâm Đồng, Huế, Đồng Tháp, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên, Kiên Giang...
Tổng số giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc khoảng 1,2 triệu trong đó công lập 769.070 giáo viên (mầm non: 294.673, tiểu học: 392.554, trung học cơ sở: 309.368, trung học phổ thông: 137.475).
Tổng số cán bộ quản lý cấp học mầm non, phổ thông là 149.100 người, trong đó cán bộ quản lý phổ thông, mầm non là 133.200; khối phòng, sở, Bộ là 15.900.
Công tác bồi dưỡng thường xuyên đã tập trung vào việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, nhân viên theo các yêu cầu của Chuẩn nghề nghiệp được triển khai có hiệu quả.
Việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên ngay tại trường học được đổi mới thông qua sinh hoạt chuyên môn, phát huy sự sáng tạo của giáo viên, cùng nhau rút kinh nghiệm, xây dựng các tiết dạy tốt, tổng kết các sáng kiến, kinh nghiệm.
Đã có nhiều tỉnh thực hiện các giải pháp liên kết với các cơ sở uy tín ở nước ngoài trong công tác bồi dưỡng đội ngũ; tổ chức các hoạt động kết nghĩa, giúp đỡ các cơ sở giáo dục ở vùng khó trong đó có các hoạt động hỗ trợ về cơ sở vật chất và sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên thông qua nghiên cứu bài học...
Tuy nhiên, khi chuyển ngang từ ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp, nhiều giáo viên chưa đảm bảo đủ các tiêu chuẩn/tiêu chí theo quy định. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo còn yếu. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học trong quản lý, dạy và học của nhiều giáo viên còn hạn chế...
Nhiều cán bộ quản lý trường học khi được bổ nhiệm chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý để có chứng chỉ quản lý giáo dục. Năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý cơ sở giáo dục còn yếu. Việc đánh giá cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các chuẩn hiệu trưởng chưa thật sự hiệu quả. Việc thực hiện quy định giờ dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông và giờ trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non ở một số cơ sở giáo dục chưa thật sự nghiêm túc...
Đặc biệt, tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nói trên, trong đó có lý do từ một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành Giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực; bất hợp lý trong việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên ở một số địa phương; thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa hoàn thiện...
Cần làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ
Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096.
Trước thực trạng trên, báo cáo của Bộ GD&ĐT đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong học kỳ II năm học 2016-2017.
Trong đó nêu rõ việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành Giáo dục như quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; về chế độ làm việc của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, chuẩn hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Sử dụng các chuẩn để đánh giá và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng những năng lực còn yếu, còn thiếu của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để chủ động trong công tác dự báo nguồn nhân lực ngành Giáo dục; các trường sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động trong cân đối chỉ tiêu tuyển sinh và lộ trình đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Tiến hành xây dựng chuẩn trường sư phạm hiện đại, tự chủ; sử dụng chuẩn này để kiểm định phân tầng, xếp hạng các trường sư phạm và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm đảm bảo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về vị trí và trách nhiệm nghề nghiệp, về sự cần thiết cần phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực và tác phong nghề nghiệp. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, phổ thông thường xuyên; Công văn số 999/NGCBQLCSGD-NG của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên các cơ sở giáo dục năm học 2016-2017; Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và xây dựng môi trường nhà trường lành mạnh, tạo điều kiện để các nhà giáo khẳng định mình trong thực tiễn.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tích cực tham mưu với chính quyền địa phương để có cơ chế, chính sách động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực công tác với chất lượng, hiệu quả cao; ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cốt cán ở các nhà trường, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở trung tâm học tập cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quy hoạch đội ngũ, tuyển dụng, bố trí và sử dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý của các địa phương để có phương án chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những địa phương có vi phạm. Tiếp thu và giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị về thực hiện chế độ làm việc và chính sách của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.