Chủ động thích ứng

GD&TĐ - Năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT 2018 sẽ “phủ” hết các lớp ở cả 3 cấp học.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Sự xuất hiện của môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở THCS có thể sẽ dẫn đến thay đổi trong phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Nếu môn Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung dạy học tương đối độc lập, thì Khoa học tự nhiên mức độ tích hợp cao hơn.

Học Chương trình GDPT 2018, học sinh THCS sẽ không còn khái niệm về từng môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học. Điều này dẫn đến câu hỏi: Vậy trường THPT chuyên sẽ tuyển sinh các lớp chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học như thế nào và liệu có thể có lớp chuyên Khoa học tự nhiên hay không?...

Ngày 28/2/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên (Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT), có hiệu lực từ 15/4/2023 - thời điểm Chương trình GDPT 2018 triển khai được 2 năm ở THCS. Trong đó quy định rõ, lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Như vậy, Thông tư số 05 không quy định có lớp chuyên Khoa học tự nhiên. Giả sử quy chế được sửa đổi, cho phép tổ chức lớp chuyên Khoa học tự nhiên thì việc triển khai là vô cùng khó khăn - khó hơn rất nhiều so với dạy học Khoa học tự nhiên ở THCS.

Có thể thấy, nếu tuyển sinh vào trường THPT chuyên lứa học sinh học Chương trình GDPT 2018 vẫn theo quy định của Thông tư 05, khó khăn ban đầu là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trên thực tế việc này không hẳn mới vì đã có tiền lệ với đào tạo các môn chuyên ngoại ngữ.

Cụ thể, có địa phương, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn không tổ chức dạy môn Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Pháp… nhưng trường THPT chuyên vẫn đào tạo các lớp chuyên này và tuyển sinh đầu vào bằng Tiếng Anh.

Với nền tảng như vậy, học sinh vẫn theo được và kết quả học tập là khả quan, thể hiện qua thành tích các em đạt được trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tất nhiên, với những lớp này, nhà trường, giáo viên cần có sự quan tâm nhiều hơn, dạy học tăng cường hơn các môn chuyên khác. Bản thân học sinh chưa có nền tảng môn chuyên, khi vào học chắc chắn cũng phải nỗ lực, cố gắng hơn nhiều so với các bạn khác.

Những thay đổi trong Chương trình GDPT 2018 cũng đặt ra yêu cầu các trường THPT chuyên cần chủ động hơn trong tìm kiếm nguồn tuyển để bảo đảm chất lượng đầu vào. Một số trường đã tính đến việc này với giải pháp:

Tìm nguồn từ các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận/huyện, tỉnh; từ trường THCS, đặc biệt là trường có truyền thống, hằng năm số lượng đỗ chuyên cao… Thậm chí, có trường chia sẵn sàng tổ chức các lớp tạo nguồn miễn phí cho học sinh có năng khiếu. Đặc biệt, một việc phải làm sớm là nghiên cứu chương trình các môn tích hợp ở THCS để ra đề tuyển sinh môn chuyên phù hợp với lứa học sinh học theo Chương trình GDPT 2018.

Như vậy, việc dù khó nhưng không phải không thể làm. Và để mọi việc suôn sẻ, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của các trường chuyên. Chủ động tìm nguồn tuyển, tham mưu phương án tuyển sinh và sớm xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp... Nếu thời điểm này vẫn chưa có tính toán, lên kế hoạch thấu đáo cho những thay đổi thì việc các trường chuyên bị động, lúng túng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo là khó tránh khỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ