Chủ động chống rét, duy trì ổn định hoạt động GD ở vùng cao

GD&TĐ - Đầu tháng 12, không khí lạnh với cường độ mạnh tràn về, các tỉnh vùng núi như Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng… có nơi dưới 10C, xuất hiện sương muối, băng giá. Tuy nhiên, với sự chủ động phòng chống rét của ngành Giáo dục, tỉ lệ chuyên cần và hoạt động giáo dục của các trường vùng cao vẫn duy trì ổn định. 

Trường học vùng cao chủ động chuẩn bị chăn ấm cho học trò. Ảnh: T.Xuân
Trường học vùng cao chủ động chuẩn bị chăn ấm cho học trò. Ảnh: T.Xuân

Bảo đảm tỉ lệ chuyên cần

Bắc Hà có tổng cộng 8 lớp mầm non với hơn 200 HS; 14 lớp TH với hơn 300 HS và 7 lớp THCS với hơn 200 HS. Căn cứ vào tình hình diễn biến thời tiết từ 30/11 đến 2/12, Phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai) đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động phòng chống rét cho HS.

Vì vậy, khi nhiệt độ xuống thấp, các trường MN, TH, THCS đã chủ động cho HS nghỉ học. Đến ngày 9/12, gần 1.000 HS huyện vùng cao Bắc Hà đã quay trở lại trường lớp. Tỉ lệ chuyên cần đạt 100%.

Còn tại huyện Đồng Văn (Hà Giang), cô Hoàng Thùy Linh – Trường PTDTBT TH&THCS Vần Chải chia sẻ: Nhiệt độ tại đây có lúc xuống 1 độ C trong hai ngày 6 - 7/12. Đến sáng 9/12 nhiệt độ đã tăng dần 5 - 6 độ. Trong những ngày lạnh nhất, nhà trường đã thông báo kịp thời đầy đủ đến từng PHHS để HS nghỉ học tại nhà. Chiều 8/12, số HS bán trú đã quay trở lại trường đầy đủ. Chính vì vậy, sáng 9/12 tỉ lệ HS trên lớp đạt 100%. Các hoạt động giáo dục tại Trường PTDTBT TH&THCS Vần Chải cơ bản diễn ra bình thường.

Cô Hoàng Thùy Linh cho biết thêm: Tỉ lệ trên lớp bảo đảm bởi HS vùng cao đã quen và thích nghi với nhiệt độ thấp. Mặt khác, khi HS lên lớp GV tăng cường nhắc nhở hướng dẫn HS kĩ năng giữ ấm bảo đảm sức khỏe. Lý do quan trọng khác theo cô Linh: “HS đang bước vào thời điểm ôn tập nước rút để thi học kỳ 1. Vì thế ý thức học tập ổn định và quyết tâm hơn”.

 Đồng Văn là một trong những huyện nằm trong vùng khí hậu lạnh bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Chúng tôi sẽ căn cứ tình hình thực tế mới quyết định cho HS từng bậc học được nghỉ học. Ở bậc MN việc nghỉ sẽ linh hoạt hơn. Còn với HS tiểu học và THCS nếu nghỉ học quá nhiều sẽ không có đủ thời gian để dạy bù chương trình chung, chất lượng giáo dục khó bảo đảm…  
Bà Mua Thị Minh

Bà Mua Thị Minh - Trưởng phòng GD&ĐT Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: Những ngày nhiệt độ giảm sâu, ngoại trừ một số trường MN cho HS nghỉ học để giữ ấm tại nhà thì số HS còn lại vẫn đi học bình thường. Tỉ lệ chuyên cần chung toàn huyện vẫn đạt trên 94%.

Chủ động phòng chống rét

Theo ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà, với giáo dục vùng cao việc chủ động đối phó với giá rét là một trong những vấn đề được ưu tiên và quan tâm hàng đầu. Ngành GD-ĐT Bắc Hà luôn yêu cầu các nhà trường trang bị đầy đủ các thiết bị như chăn ấm, đệm, lò sưởi điện để giữ ấm cho HS trên lớp và đặc biệt cho HS bán trú tại trường…

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT 

Ngành cũng yêu cầu các trường MN vẫn nhận trẻ trong những ngày nhiệt độ xuống thấp nếu PHHS có nhu cầu gửi. HS sẽ được triển khai hoạt động học tập trong lớp chứ không triển khai ngoài trời.

Hàng năm chuẩn bị bước vào vụ rét ngành GD, các nhà trường đều chủ động kêu gọi nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ tặng áo rét, chăn ấm... cho HS. Đầu vụ rét 2019, toàn huyện đã nhận được hơn 1.000 chăn ấm từ các đoàn từ thiện.

Ông Trần Ngọc Kiên - Trưởng phòng GD&ĐT Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: Đợt rét kéo dài tại Mường Nhé từ 6/12 đến nay. Tuy nhiên, nhiệt độ lạnh về đêm còn ban ngày ấm hơn nhiều. Vì vậy, HS huyện Mường Nhé chưa phải nghỉ học tránh rét. Trên đỉnh mốc số 0 – A Pa Chải có hiện tượng đóng băng nhưng không có điểm trường, lớp học tại đây.

Ngành GD Mường Nhé triển khai tránh rét cho HS từ sớm, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Một mặt các trường tuyên truyền để cha mẹ và HS giữ ấm; GV giáo dục kĩ năng tránh rét. Mặt khác, các nhà trường mua sắm, củng cố điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng tránh rét. HS bán trú cũng được bảo đảm các điều kiện tốt nhất về nơi ăn chỗ ở.

Với sự chuẩn bị tích cực, trong suốt đợt rét đầu tiên diễn ra tại huyện Mường Nhé, hơn 15.000 HS (gần 4.000 HS MN; hơn 7.000 HS TH; gần 4.000 HS THCS) vẫn đến trường tương đối đầy đủ. Tỉ lệ chuyên cần đạt 95 - 98%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ