Hà Tĩnh: Trời rét đậm, trẻ mầm non vẫn đến trường đầy đủ

GD&TĐ - Liên tiếp những đợt không khí lạnh tràn về gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, các em học sinh, nhất là trẻ mầm non ở Hà Tĩnh. Để đảm bảo việc học và sức khỏe của trẻ, các trường mầm non đã có những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể nhằm duy trì tốt sĩ số học sinh.

Các trường mầm non trên địa bàn Hà Tĩnh đã đảm bảo đầy đủ giữ ấm cho học sinh
Các trường mầm non trên địa bàn Hà Tĩnh đã đảm bảo đầy đủ giữ ấm cho học sinh

Tăng cường vật dụng giữ ấm, thay đổi lịch đưa đón trẻ

Ban giám hiệu các trường mầm non đã triển khai tới giáo viên và tuyên truyền, nhắc nhở các bậc phụ huynh mặc ấm cho trẻ. Để đối phó với thời tiết lạnh giá, nhà trường đã chuẩn bị chăn, ga đầy đủ cho học sinh bán trú. Các phòng học được kiểm tra cửa kính, chốt cẩn thận. Ngoài việc mua thêm chăn đệm, trải thảm, các trường đều kiểm tra lại ri đô, rèm cửa.

Cụ thể, các trường mầm non tại TP Hà Tĩnh, nhất là trường tư thục, các phòng học đều bật điều hòa, trải đệm xốp, hạn chế các hoạt động ngoài trời...

Cô giáo Lê Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1, TP Hà Tĩnh cho biết, đang là thời điểm rét nhất từ đầu đông khi nhiệt độ xuống cận 12 độ C, giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh đi học mặc ấm và theo dõi dự báo thời tiết để trao đổi với phụ huynh về việc đưa đón các cháu.

“Cũng có những gia đình thấy trời rét quá gọi điện xin cô chủ nhiệm cho con nghỉ học để đảm bảo sức khỏe. Nhà trường đã đồng ý nhưng con số này không nhiều”, cô giáo Vân Anh nói và cho hay tại các lớp học, Ban giám hiệu nhắc giáo viên đóng kín cửa tránh rét và bật đèn cho đủ sáng.

Ngoài ra, giờ đưa đón trẻ tại trường cũng theo đó mà thay đổi cho phù hợp. Vào mùa đông nhà trường đã đổi lịch đưa đón trẻ, buổi sáng thì muộn hơn từ 7 giờ 15 phút - 8 giờ sáng, còn buổi chiều thì đón trẻ sớm hơn từ 16 giờ 30 phút - 17 giờ - cô Vân Anh cho hay.

Các vật dụng giữ ấm cũng được tăng cường như chăn, nước ấm, bình ủ ấm, dép hoặc tất chân đi trong nhà. Tại các trường mầm non trong thành phố, học sinh đến trường khá đầy đủ do phòng học được bố trí điều hòa 2 chiều, rèm, cửa giữ kín đầy đủ. Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng được tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho trẻ.

Là trường học thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, Trường Mầm non Hương Trạch (Hương Khê) thường xuyên đặt việc chống rét cho học sinh lên hàng đầu. Cô Lê Thị Hải Yến – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để giữ ấm cho trẻ trong những ngày này, ngoài việc dừng các hoạt động ngoài giờ, chúng tôi cũng đã chủ động đủ nước ấm cho trẻ uống và dùng cho việc vệ sinh cá nhân, trải thảm lót sàn, chú ý đến quần áo ấm, tất, mũ cho các cháu. Việc chuẩn bị bữa ăn trong những ngày giá rét càng được quan tâm, đảm bảo vệ sinh và thay đổi thực đơn hợp lý góp phần cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho các cháu”.

Duy trì tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Thạch Hà cho biết: “Trong đợt rét đậm, rét hại này, chúng tôi đã có công văn chỉ đạo phòng chống rét gửi đến các trường. Đối với những xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, Phòng GD&ĐT giao quyền chủ động cho các nhà trường. Nếu nhiệt độ xuống dưới 11 độ C thì hiệu trưởng phối hợp với chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh cho học sinh nghỉ học.

Ngoài ra, trong những ngày này, các trường thực hiện nghiêm túc công tác chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho trẻ, đảm bảo đủ nước ấm, vệ sinh cá nhân, ăn uống; có cơ số chăn màn đủ ấm cho trẻ khi ngủ; sạp ngủ kê cao từ 25 - 30 cm. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn đến sớm để vệ sinh môi trường phòng học, phòng chức năng… đảm bảo sạch sẽ, đủ ánh sáng”.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng cho hay, phía Sở cũng đã gửi văn bản chỉ đạo các Phòng GD&ĐT thành phố, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc thông báo về việc chống rét cho học sinh, đảm bảo việc học và sinh hoạt ở các trường. Ngoài ra, các nhà trường thông báo tới cha mẹ học sinh quản lý và đảm bảo sức khỏe, giữ ấm đầy đủ cho các em lúc đến trường. Trường học phải đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất phòng chống rét cho học sinh, không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời...

Trên tinh thần chỉ đạo của ngành Giáo dục và sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của các nhà trường, việc giữ ấm cho trẻ mầm non trong những ngày giá lạnh được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, phụ huynh và sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc chăm lo cho trẻ qua các nguồn xã hội hóa xây dựng trường học khang trang, phòng học ấm áp với chăn, màn, giường, sạp đầy đủ… cũng đã là yếu tố giảm bớt gánh nặng, nỗi lo để các trường có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc cho trẻ.

Nhờ thực hiện tốt những biện pháp giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, đảm bảo bữa ăn hợp vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng nên tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần ở các nhóm lớp 4 - 5 tuổi vẫn được duy trì đều đặn; ở nhóm nhà trẻ dẫu có giảm hơn trước nhưng số liệu thống kê ban đầu cho thấy vẫn duy trì ở mức 60 - 70%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ