Đồng thời linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch và phân công giáo viên phù hợp với năng lực, thực tế tại đơn vị.
Chủ động bồi dưỡng
Sau hai năm thực hiện Đề án Bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên giảng dạy các môn mới ở cấp THCS, ngành GD tỉnh Hậu Giang đã bồi dưỡng cho hơn 410 giáo viên ở 62 trường THCS. Trong đó, có khoảng 280 giáo viên môn Khoa học tự nhiên và 132 giáo viên môn Lịch sử - Địa lý.
“Những giáo viên cốt cán, ổn định kiến thức và có nhiều kinh nghiệm trong triển khai môn mới được ưu tiên phân công giảng dạy. Trong trường hợp giáo viên mới bồi dưỡng còn thiếu tự tin, mỗi đơn vị linh hoạt phân công giảng dạy ở khối 6 và lớp 7, tiếp tục nghiên cứu hoạt động giảng dạy và tích luỹ thêm kinh nghiệm”, ông Trần Hiền Hoà thông tin thêm.
Để đảm bảo công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, đặc biệt là dạy môn học mới ở lớp 8, ông Trần Hiền Hoà - Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết: Đầu năm học, sở lưu ý nhà trường thực hiện rà soát và đánh giá lại hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn tích hợp.
Công tác bồi dưỡng và bố trí giáo viên để phục vụ cho năm học 2023 - 2024 được ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo kịp thời, chủ động trong công tác triển khai, lắng nghe và xây dựng phương án khắc phục những khó khăn trước mắt.
Theo ông Huỳnh Trung Tính - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), phòng đã tổ chức bồi dưỡng liên môn đối với giáo viên tiểu học dạy môn Tin học và Công nghệ, giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, địa phương cơ bản hoàn tất công tác bồi dưỡng nhân sự cho các môn học mới.
Chia sẻ thực tế tại địa phương, ông Tính cho hay: Thời gian đầu, thầy cô còn gặp khó khăn nhất định. Hiệu quả giảng dạy các môn tích hợp chưa như ý, bởi ngoài kiến thức chuyên môn, nội dung các phần còn lại, thầy cô chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn, có thể đảm bảo theo chương trình sách giáo khoa, nhưng khi đào sâu kiến thức sẽ bỡ ngỡ cho cả thầy và trò.
“Trong thời gian tới, phòng tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục chủ động xây dựng đội ngũ nhà giáo cốt cán tại trường; thông qua hoạt động của hội đồng bộ môn huyện để tư vấn các hoạt động chuyên môn. Đồng thời, linh hoạt trong công tác sắp xếp giáo viên có chuyên môn chính như Lý, Hóa đảm nhận các khối lớp 8, lớp 9 nhằm đáp ứng nội dung chuyên sâu của chương trình học, giúp học sinh khai thác kiến thức hiệu quả hơn”, ông Tính chia sẻ thêm.
Ảnh minh họa ITN. |
Linh hoạt bố trí đội ngũ
Năm học này, Trường THCS Tích Thiện, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) có 530 học sinh. Tham gia giảng dạy môn Khoa học tự nhiên có 4 giáo viên và môn Lịch sử - Địa lý có 3 giáo viên.
Theo thầy Bạch Thái An - Hiệu trưởng nhà trường, lợi thế của nhà trường trong tiếp cận môn mới là phần lớn đội ngũ giáo viên được đào tạo môn đôi ở hệ cao đẳng. Do đó, tổ bộ môn chủ động bắt nhịp, học tập chia sẻ kiến thức lẫn nhau nhằm đảm bảo yêu cầu kiến thức đặt ra.
Thực tế sau hai năm dạy môn mới, nhà trường linh hoạt xây dựng kế hoạch giảng dạy và bố trí đội ngũ theo gợi mở của Bộ GD&ĐT và sở GD&ĐT phù hợp với thực tế tại đơn vị. Giáo viên có sự tương tác, trao đổi chuyên môn với nhau thông qua các buổi sinh hoạt, nghiên cứu bài học.
“Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, trong năm học 2023 - 2024, nhà trường chỉ đạo tổ bộ môn phân công giáo viên có phần chuyên sâu hơn ở lớp 8. Trong đó, trường lưu ý các tổ tăng cường nghiên cứu bài giúp bổ trợ kiến thức lẫn nhau, khắc phục khó khăn bằng cách tự bồi dưỡng tại chỗ cho đội ngũ thông qua dự giờ, rút kinh nghiệm hay sinh hoạt tổ chuyên môn theo nghiên cứu bài học”, thầy An chia sẻ thêm.
Tương tự, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) có 22/24 giáo viên được bồi dưỡng giảng dạy môn Khoa học tự nhiên. “Đa số giáo viên môn Khoa học tự nhiên có nền tảng từ Cao đẳng sư phạm Hoá - Sinh và được bồi dưỡng thêm môn Vật lý đảm bảo chuyên môn đứng lớp.
Ngoài ra, các thầy cô cũng chủ động học hỏi và trao đổi kinh nghiệm thông qua họp tổ chuyên môn, dự giờ lên lớp… Do đó năm học qua, nhà trường mạnh dạn chỉ đạo tổ bộ môn bố trí đội ngũ tham gia đảm nhận môn mới ở khối lớp 6 và lớp 7… Tuy nhiên năm học này, nhà trường linh hoạt phân công giáo viên giảng dạy theo từng chủ đề của lớp 8 nhằm đảm bảo kiến thức chuyên sâu cho học sinh”, cô Phó Hiệu trưởng Trương Thuỵ Thiên Hương thông tin thêm.
Chương trình Khoa học tự nhiên khối lớp 6 và lớp 7 không sâu nên giáo viên dễ dàng tiếp cận giảng dạy được 3 phân môn Lý – Hoá – Sinh. Tuy nhiên, với chương trình lớp 8, kiến thức sâu, rộng hơn đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu rộng để truyền tải cho học sinh, đặc biệt là phát triển tối đa năng lực nhất mỗi em trong phong trào mũi nhọn, tiến xa hơn là thi học sinh giỏi chất lượng hơn.
Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thị Anh Thư - giáo viên Tổ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đồng thời cho rằng, mặc dù được bồi dưỡng, được mở mang kiến thức và bản thân cũng chủ động đi học, nghiên cứu nhưng vẫn không tự tin, cảm thấy chưa đáp ứng được kiến thức chuyên sâu để truyền tải cho học sinh khối lớp 8 và lớp 9. Để khắc phục khó khăn, cô và đồng nghiệp tiếp tục tự nghiên cứu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm qua các tiết dạy, vừa dạy vừa học.
Là Tổ trưởng chuyên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, thời gian đầu, cô Phạm Thị Bích Trâm và đồng nghiệp không tránh khỏi lo lắng trong giảng dạy kiến thức không thuộc chuyên môn chính. Đặc biệt khi liên hệ thực tế và kiến thức chuyên sâu gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau khi được bồi dưỡng, thầy cô đã tự tin hơn. Cô cũng nhận thấy việc giáo viên tự bồi dưỡng, nghiên cứu kiến thức là cần thiết. Tổ chuyên môn thường xuyên trao đổi và tổ chức chuyên đề để kịp thời hỗ trợ cả về phương pháp lẫn nội dung dạy học.