Chủ động bắt nhịp chương trình mới

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng với lớp 2 và lớp 6.

Phương pháp dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên 
phải chủ động đổi mới phương pháp.
Phương pháp dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải chủ động đổi mới phương pháp.

Thời điểm này, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các thầy cô trên mọi miền đất nước cũng chạy đua nước rút, tiếp tục tự bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình.

Lưu ý với môn Ngữ văn

Ngữ văn là môn học có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình giáo dục. Ngoài chức năng công cụ, môn Ngữ văn còn đóng góp rất lớn cho việc hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, trau dồi kỹ năng và nhất là góp phần hình thành nhân cách con người.

Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng phát biểu: “Dạy văn là một quá trình rèn luyện toàn diện” (đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục số 28/11/1973). Vì vậy, từ nhiều năm nay, việc đổi mới phương pháp dạy học nói chung và đối với môn Ngữ văn hết sức quan trọng. Nhiều phương pháp, biện pháp mới được đưa ra, dù có khác nhau nhưng đều thống nhất khẳng định vai trò của việc dạy và học môn học này trong nhà trường.

Chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 6 năm học 2021 - 2022 được nhiều tỉnh, thành lựa chọn là 2 bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam. Các chủ đề, bài học có thể sắp xếp theo thứ tự khác nhau nhưng đều tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin.

Văn bản văn học được triển khai qua những tác phẩm, đoạn trích truyện; bài thơ, đoạn thơ; kí. Các văn bản nghị luận theo hai đề tài là nghị luận văn học và nghị luận xã hội, từ đó hướng học sinh sử dụng các thao tác chung như giải thích, chứng minh, phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận, nêu vấn đề. Văn bản thông tin rất đa dạng và phong phú với phương thức thuyết minh và trọng tâm là các văn bản nhật dụng.

Chương trình vẫn giữ nguyên tắc đồng tâm với các lớp 7, 8, 9. Trong mỗi cấu trúc đơn vị bài học được tổ chức theo các mục như kiến thức Ngữ văn gồm văn học và tiếng Việt làm cơ sở cho cả bài học lớn, để từ đó đi vào phần luyện tập, vận dụng gồm thực hành đọc hiểu, thực hành tiếng Việt, thực hành viết, nói và nghe, tự đánh giá và hướng dẫn tự học.

Như vậy, chương trình Ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tập trung hình thành các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe theo nhóm thể loại và kiểu văn bản, từ đó phát triển ngôn ngữ và năng lực văn học, hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực chung cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Môn học này cũng giúp rèn khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới cho người học. Rõ ràng đây là điểm mới hoàn toàn so với các nội dung kiến thức, kỹ năng của chương trình Ngữ văn mà chúng ta đã thực hiện từ năm 2002 đến 2021.

Giáo viên Ngữ văn tập huấn theo chương trình mới tại Trường ĐH Sự phạm 2.
Giáo viên Ngữ văn tập huấn theo chương trình mới tại Trường ĐH Sự phạm 2. 

Thay đổi để bắt nhịp

Để thực hiện tốt những mục tiêu giáo dục ấy, mỗi giáo viên - những người trong cuộc cần phải có những sự thay đổi lớn để bắt nhịp kịp thời với đổi mới.

Đổi mới bắt đầu từ tư duy, nhận thức. Bản thân giáo viên cần thấy được vai trò và mục tiêu to lớn của môn Ngữ văn đối với các môn học khác, sự phát triển của một học sinh và cần lan tỏa để các em hiểu được điều đó. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp dạy học phải hết sức chú trọng.

Đổi mới phương pháp để nội dung bài học được chuyển tải sao cho có kết quả tốt hơn, cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Theo đó, giáo viên cần xây dựng kế hoạch phân loại học sinh theo nhóm trình độ, năng lực, từ đó làm căn cứ sử dụng phương pháp phù hợp, để các em có thể tự học kết hợp với hỗ trợ tương tác lẫn nhau. Việc phát hiện và phân loại học sinh theo nhóm bắt đầu từ đầu năm học.

Không chỉ vậy, mỗi giáo viên cần học hỏi để có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm. Phải xác định tinh thần trách nhiệm và phát huy kinh nghiệm của chương trình trước. Giáo viên cũng có thể tham gia các lớp học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức từ đồng nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền giáo dục hiện đại. Ban giám hiệu cũng chỉ đạo giáo viên lựa chọn học sinh có khả năng, tư chất, trí tuệ, lòng đam mê, tính sáng tạo để đưa ra các phương pháp dạy học.

Để học sinh nắm chắc, hiểu sâu nội dung bài học, thầy cô cần thực hiện phương châm “dạy chắc cơ bản rồi dạy nâng cao”; chuyển từ dạy kiến thức sang hình thành các năng lực thật cho học sinh. Thông qua những bài luyện cụ thể để dạy phương pháp tư duy, rèn kỹ năng. Cần hướng dẫn học sinh cách tự học, tự nghiên cứu ở nhà và ở trường; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, tạo mọi điều kiện để các em phát huy hết năng lực của mình.

Để học sinh sôi nổi tham gia các hoạt động học tập, từ hoạt động trong các giờ học đến các hoạt động ngoại khóa, thầy phải đổi mới phương pháp dạy, trò có phương pháp học tập phù hợp. Muốn vậy, giáo viên xây dựng chuẩn của một giờ dạy; trong đó đánh giá cao việc tạo hứng thú và phát triển tư duy học sinh; dạy kiến thức để hình thành phương pháp và rèn luyện tư duy, trên cơ sở đó, học sinh tự vận động để tiếp nhận kiến thức mới.

Giáo viên cũng nên đa dạng hóa các hình thức dạy học như: Chuyển giao chuyên đề, tập dượt nghiên cứu, học trực tuyến, học qua giao lưu, linh hoạt trong tình hình cụ thể... Vận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin trong quá trình dạy học cũng sẽ mang lại hiệu quả thật sự. Từ đổi mới phương pháp dạy học sẽ đổi mới kiểm tra đánh giá.

Nếu trước đây, giáo viên là trung tâm, cô giảng trò làm theo, thì nay phải làm sao để biến các em thành trung tâm. Học trò hoạt động là chính, giáo viên chỉ mang tính hướng dẫn, định hướng, quan trọng là để các em hào hứng, chủ động hơn khi học. Và tôi nghĩ rằng từ những trăn trở trong quá trình dạy học, sự nhiệt huyết, say mê sẽ giúp mỗi nhà giáo tìm ra lối đi riêng cho mình, phù hợp với trò để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của mục tiêu đổi mới.

Chương trình mới đòi hỏi giáo viên luôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy tri thức và kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, có trách nhiệm cao, nhiệt tình, say mê với công việc, có kiến thức và hiểu biết sâu rộng. Thầy cô biết tạo cho học sinh động cơ, thái độ học tập đúng đắn, niềm say mê yêu thích và hứng thú trong học tập; thường xuyên tìm tòi các tư liệu, kiến thức nâng cao trên các phương tiện. 

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.