Chủ đề nên theo từng khái niệm của các môn học

GD&TĐ - “Giới, bình đẳng giới là một vấn đề lớn, quan trọng luôn được quan tâm trong các lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục. Để đạt hiệu quả trong lĩnh vực này, chắc chắn không có cách nào khác tốt hơn là đưa vấn đề này vào nội dung chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông”, đó là khẳng định của ông Phan Xuân Thành, Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam tại Hội thảo “Lồng ghép giới trong SGK phổ thông” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức mới đây.  

Trong giờ dạy học lồng ghép GD giới tính tại Trường Tiểu học Tân Phương (Đoan Hùng, Phú Thọ)
Trong giờ dạy học lồng ghép GD giới tính tại Trường Tiểu học Tân Phương (Đoan Hùng, Phú Thọ)

Nhiều yếu tố bất bình đẳng giới trong SGK hiện hành

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 - 12, gần 8.300 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản nhưng chỉ có 24% là nữ giới, 7% là trung tính (ví dụ đứa trẻ, học sinh, phụ huynh), còn nam giới chiếm đến 69%. Đặc biệt, hiện có 95% nhân vật quan trọng, nổi tiếng được nhắc đến trong sách giáo khoa là nam giới.

Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam, dẫn lại báo cáo công bố (sáng 14/9) của Quỹ Dân số Liên Hiêp Quốc (UNFPA) về giáo dục sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục trong trường THCS và THPT Việt Nam. Báo cáo phân tích, phát hiện ra những nội dung bình đẳng giới trong sách phủ rộng nhưng chưa sâu. Nội dung đề cập rất sơ lược như nhân phẩm, phân biệt đối xử, quyền con người, công bằng giới, bạo lực…

Trong khi đó, giới, mối quan hệ quyền lực về giới, quyền con người chưa được tích hợp hiệu quả, giáo viên có xu hướng nói giảm, nói tránh những vấn đề nhạy cảm. Môn Ngữ văn nhấn mạnh thân phận phụ nữ thời phong kiến, ngầm định hiện nay phụ nữ được bình đẳng (hơn). Tuy nhiên, không có bàn luận về các bất bình đẳng trong xã hội hiện tại, không liên hệ cuộc sống thực tế của học sinh.

Bà Trần Thu Thủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, sự chênh lệch giữa các nhân vật nam và nữ tăng dần theo các cấp học, càng lên cao, sự chênh lệch càng lớn. Những hình ảnh, nội dung mang định kiến giới trong SGK, chương trình giáo dục làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em, làm chậm tiến trình đạt được bình đẳng giới thực chất.

Năng lực của giáo viên rất quan trọng

Góp ý cho sự cần thiết về lồng ghép giới vào SGK mới, bà Trần Thị Phương Nhung cho rằng, lồng ghép giới trong SGK, không chỉ là lưu ý đến tỉ lệ, sự hiện diện của nam, nữ; hoặc tên nhân vật, nghề nghiệp mà nhân vật đại diện, ngôn từ sử dụng, hình ảnh minh họa… mà còn phải chú ý đến các vấn đề khác như: Đưa nội dung/chủ đề có liên quan đến vấn đề giới, giáo dục giới tính toàn diện, giáo dục tình dục và sức khỏe sinh sản… tương xứng với kết quả đầu ra mong đợi về kiến thức, kỹ năng và nhận thức đối với những nhóm lứa tuổi cụ thể; chủ đề nên được bố trí theo từng khái niệm của các môn học phù hợp nhất; Chú ý về thời lượng, những chỉ dẫn, chú thích dựa trên cơ sở bằng chứng và có tính cập nhật để giúp các giáo viên/người hướng dẫn có thêm thông tin, hỗ trợ cho bài giảng của mình được tốt nhất.

Từ nội dung chương trình, cần có cách thức thiết kế nội dung hình thức các bài học/chương/chủ đề liên quan trực tiếp về giới, giới tính, hoặc tích hợp nội dung SGK một cách hài hòa, hiệu quả nhất. Có thể có những đợt tập huấn về nội dung, cách thức biên soạn, lồng ghép giới trong ngành Giáo dục hoặc ngoài ngành Giáo dục cho đội ngũ tác giả biên tập viên, họa sĩ.

 Ông Phan Xuân Thành

Tiếp nhận đánh giá về sách giáo khoa hiện hành, ông Phan Xuân Thành, cho rằng, do lộ trình thay SGK mới theo lối cuốn chiếu, theo đó việc tồn tại SGK hiện hành vẫn còn kéo dài 5 năm nữa, do vậy cần vừa có giải pháp bù đắp việc lồng ghép giới cho SGK hiện hành, bên cạnh đó đặc biệt lưu ý về giải pháp cho SGK mới.

“Đối với SGK hiện hành, cần thiết phải rà soát thực trạng việc lồng ghép giới để thấy được ưu điểm cần phát huy, khuyết điểm để bổ sung, khắc phục. Rất may là công việc rà soát SGK hiện hành đã được rà soát bởi nhiều đơn vị, cá nhân, qua đó, chúng ta thấy được các nhược điểm về lồng ghép giới trong SGK hiện hành như mất cân đối hình ảnh nam nữ, phạm vi nghề nghiệp nam và nữ, ở mức độ nhất định có thể thấy thấp thoáng định kiến giới…

Để khắc phục những hạn chế đã nêu hay thực hiện lồng ghép giới vào SGK hiện hành, nếu tác động trực tiếp vào SGK như thay đổi hình vẽ, đưa nội dung mới thêm vào SGK là việc không thể thực hiện. Thay vì việc làm này, có thể tổ chức biên soạn sách tham khảo hoặc tài liệu hướng dẫn học vào chương trình ngoài giờ lên lớp hay sinh hoạt lớp cuối tuần”, ông Thành cho biết.

Giáo dục bình đẳng giới nên từ ở cấp mầm non

Đồng quan điểm về sự cần thiết đưa vấn đề bình đẳng giới vào SGK, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LH PNVN, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: Muốn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới thì phải tìm xem hiện nay trong SGK đang có những vấn đề giới là gì: Hình ảnh minh họa chưa đảm bảo bình đẳng giới, nội dung thể hiện định kiến giới…? Khi xác định được vấn đề giới thì mới nghĩ đến lồng ghép giới và phải có hướng dẫn lồng ghép giới trong SGK như thế nào. “Giáo dục bình đẳng giới nên từ ở cấp mầm non, thậm chí từ trong gia đình thì mới hy vọng có bình đẳng giới”.

Để SGK, chương trình GD phổ thông thúc đẩy bình đẳng giới, ông Phan Xuân Thành cho rằng, với Chương trình và SGK mới, khi có Chương trình môn học chính thức, các nhóm làm SGK trước hết cần tổ chức rà soát để phân định đâu là đơn vị kiến thức, mục tiêu giáo dục được yêu cầu bắt buộc để tổ chức các bài học/chương/chủ đề trong SGK mới, đặc biệt là các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Tự nhiên và xã hội, Sinh học…

Bên cạnh đó, cần xem xét những vấn đề về giới được khuyến khích lồng ghép, tích hợp vào một số môn có lợi thế khác nhau như Tiếng Việt, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm, Khoa học tự nhiên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.