Theo đó, kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên mầm non sẽ nâng cao; Chất lượng giáo dục mầm non sẽ cải thiện và nâng cao chỉ số phát triển con người Việt Nam làm nền tảng ban đầu để trẻ vào lớp 1;
Đồng thời đáp ứng yêu cầu của xã hội và gia đình người học, đặc biệt là nâng cao vị thế xã hội cho giáo viên mầm non.
Ngoài ra, việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm sẽ có tác động về giới, quyền trẻ em. Cụ thể: Xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp nên giáo viên nữ chiếm 99,7% trên tổng số giáo viên mầm non cả nước, do vậy chính sách này sẽ có tác động kép và ảnh hưởng tích cực đến việc nâng cao trình độ dân trí của nữ giới, giải quyết việc làm và nâng cao vị thế xã hội của nữ giới góp phần bình đẳng giới.
Cùng với đó, chính sách này sẽ tác động tích cực trong việc tạo một môi trường giáo dục an toàn cho trẻ, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em theo pháp luật và các công ước quốc tế về quyền trẻ em; hạn chế và loại bỏ bạo lực, phân biệt đối xử đối với trẻ em.
Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm cũng không có tác động cơ bản đối với thủ tục hành chính và không ảnh hưởng đến hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên sẽ phải nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số văn bản sau đây: Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD& ĐT và Bộ Nội vụ ngày 14/9/2015 Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non;
Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30/6/2015 và Thông tư số 13/2018/TT-BGDĐT ngày 30/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục.
Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30/11/2017 Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Các văn bản pháp luật liên quan chế độ tiền lương, phụ cấp, đánh giá xếp loại giáo viên mầm non.