Đưa bình đẳng giới rõ nét hơn trong Chương trình, SGK mới

GD&TĐ - Trong các buổi học tại Việt Nam của Khóa học ngắn hạn Chương trình Học bổng Chính phủ Australia về “Bình đẳng giới trong lĩnh vực cải cách” có một diễn giả rất đặc biệt - bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với bà Mai Hoa liên quan đến các quy định, chính sách, đặc biệt là nội dung bình đẳng giới trong GD.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa là diễn giả khách mời Khóa học ngắn hạn Chương trình Học bổng Chính phủ Australia về “Bình đẳng giới trong lĩnh vực cải cách”
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa là diễn giả khách mời Khóa học ngắn hạn Chương trình Học bổng Chính phủ Australia về “Bình đẳng giới trong lĩnh vực cải cách”

Ngành GD chú trọng nội dung bình đẳng giới

Bà đánh giá như thế nào về nội dung bình đẳng giới hiện nay đang thực hiện trong ngành GD?

- Bình đẳng giới là mục tiêu lớn và rất khó. Để đạt được mục tiêu này, rất cần sự quan tâm của nhiều bộ/ngành, trong đó ngành GD đóng vai trò quan trọng. Điều này dễ lý giải, vì đối tượng của ngành GD rất đặc biệt: tỷ lệ HS nữ chiếm trên dưới 50%, còn nữ cán bộ, GV cũng chiếm trên 70% nhân lực toàn ngành. Hơn thế, tôi cho rằng, việc quan tâm tới bình đẳng giới trong môi trường GD sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc hình thành nhận thức, quan điểm sống cho thế hệ trẻ.

Với ý nghĩa đó, tôi biết ngành GD đã có chương trình hành động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về bình đẳng giới trong từng giai đoạn cụ thể. Nhiều chính sách đã được ban hành, nhiều hoạt động đã được tổ chức, tạo điều kiện cho các nữ cán bộ, GV được học tập, nâng cao năng lực trình độ; đóng góp nhiều trên mọi lĩnh vực công tác của ngành. Bên cạnh đó, ngành cũng quan tâm, tạo môi trường thực sự bình đẳng để các HS, SV nữ có cơ hội học tập, sáng tạo; và chắc chắn sẽ có những quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề giới và bình đẳng giới.

Môi trường GD bình đẳng mang lại cho nữ sinh cơ hội học tập, sáng tạo. Ảnh minh hoạ Internet
Môi trường GD bình đẳng mang lại cho nữ sinh cơ hội học tập, sáng tạo. Ảnh minh hoạ Internet

Chương trình, SGK mới phải khắc phục, hạn chế định kiến giới

Trong bài thuyết trình của bà có nhấn mạnh đến việc đưa nội dung bình đẳng giới rõ nét hơn trong chương trình, SGK mới, bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK, chúng tôi quan tâm nhiều tới câu chuyện bình đẳng giới sẽ được giải quyết như thế nào trong chương trình, SGK mới sắp tới.

Sở dĩ tôi đặt vấn đề này là vì trong chương trình GD hiện hành, nội dung về GD giới tính, kỹ năng sống chưa được đề cập một cách bài bản, chính thức; và có thể nói, GD bình đẳng giới Việt Nam đi chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới như Anh, Hà Lan, Malaysia... Còn về SGK, đã xuất hiện không ít những hình ảnh, những thông tin có thể dẫn tới cách hiểu sai lệch về giới hoặc mang định kiến giới. Chẳng hạn như hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam và nữ trong SGK chưa phản ánh được xu hướng và những thay đổi trong xã hội; nếu nhân vật nữ thường chỉ làm nội trợ, GV, nhân viên văn phòng thì nhân vật nam thường làm rất nhiều nghề như bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, công an, bộ đội; đa phần ví dụ trong SGK về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng là nam giới.

 

Tôi đánh giá rất cao Khóa học ngắn hạn Chương trình Học bổng Chính phủ Australia về “Bình đẳng giới trong lĩnh vực cải cách”. Hy vọng các học viên khi trở về công việc hàng ngày sẽ chủ động lồng ghép vấn đề giới vào quá trình tham mưu, triển khai những quy định từ các văn bản quy phạm pháp luật trong thực tế cuộc sống; trở thành những tuyên truyền viên triển khai các kiến thức kỹ năng đã học đến những người cùng làm việc với mình, thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới một cách thực chất.

 
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa

Do vậy, tôi nghĩ rằng, khi xây dựng chương trình và SGK mới, những hạn chế trên cần được lưu ý, khắc phục; cụ thể là trong chương trình cần bố trí thời lượng hợp lý cho GD giới tính; tránh đưa vào SGK những hình ảnh định kiến giới hoặc bất lợi cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Từ những mong muốn đó, chúng tôi đã đề xuất GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GD phổ thông mới việc lồng ghép kiến thức giới và bình đẳng giới trong quá trình tập huấn cho đội ngũ những người xây dựng chương trình, SGK. Rất vui là Tổng chủ biên đã đồng tình với quan điểm này. Cũng xin tiết lộ thêm là qua thông tin chúng tôi được biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được mời tham gia vào quá trình thẩm định chương trình, SGK.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan, những băn khoăn như trước nay về vấn đề định kiến giới trong SGK sẽ được khắc phục. Tất nhiên, khắc phục ở mức độ nào thì còn phải chờ đợi, vì nhận ra vấn đề đã khó, nhưng giải quyết được vấn đề càng khó hơn. Đặc biệt là cần thêm sự ủng hộ của Hội đồng thẩm định SGK để có thể chọn được những bộ SGK bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới.

Thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới một cách thực chất

Theo bà, nên thực thi chính sách như thế nào để có thể thúc đẩy công tác bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới hiệu quả hơn?

- Mục tiêu Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ; và trong những năm qua nhà nước cũng đã ban hành hệ thống luật pháp, chính sách để thực hiện mục tiêu này. Có thể nói, các văn bản quy định thì không thiếu, chính sách cũng khá nhiều nhưng thành tựu bình đẳng giới vẫn còn rất khiêm tốn. Rõ ràng, vấn đề là phải làm sao cho các chính sách được triển khai thực thi hiệu quả; đó mới là điều đáng bàn.

Vì vậy, theo tôi, quan trọng nhất là cần cụ thể hoá mục tiêu bình đẳng giới và các chính sách vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của T.Ư và địa phương. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc nâng cao kiến thức giới cho những người được giao nhiệm vụ thực thi bình đẳng giới; cần tập huấn, hướng dẫn cho họ có những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, triển khai, thực hiện những chương trình phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương cũng như của quốc gia. Có như vậy, mục tiêu bình đẳng giới mới thực chất.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ