Chốt thời gian xử phúc thẩm vụ GĐ Trung tâm GDTX Hưng Nguyên

GD&TĐ - Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án bà Lê Thị Dung – nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) sẽ mở vào ngày 12/6.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Chiều 26/5, thông tin từ Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An xác nhận, phiên tòa phúc thẩm xét xử bà Lê Thị Dung sẽ được mở vào 8h ngày 12/6. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Hoàng Ngọc Anh.

Bà Lê Thị Dung 51 tuổi, nguyên là Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 17-24/4, TAND huyện Hưng Nguyên đã tuyên phạt bà Dung 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Liên quan đến vụ này, tòa cấp sơ thẩm cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hương (57 tuổi) 24 tháng tù, hưởng án treo vì tội danh tương tự. Bị cáo Hương - cựu kế toán Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên là người tố cáo hành vi vi phạm của bà Dung đến cơ quan Cảnh sát điều tra.

Sau phiên tòa, bà Lê Thị Dung đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và kêu oan. Còn bị cáo Nguyễn Thị Hương không kháng cáo.

Ngày 23/5, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An có kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm, theo hướng tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Căn cứ để xem xét hủy bản án sơ thẩm bởi quyết định kháng nghị phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét hết trách nhiệm của bà Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương đối với thiệt hại trong vụ án.

Cụ thể số tiền đã chi cho bị cáo Dung là 103 triệu đồng, chi cho các thầy cô giáo khác 175 triệu đồng. Số tiền này qua giám định tài chính đã được xác định là thiệt hại trong vụ án.

Viện KSND tỉnh Nghệ An cũng cho rằng đối với khoản tiền 48 triệu đồng (nằm trong tổng số tiền 103 triệu đồng bị cáo Dung lập chứng từ thanh toán), cấp sơ thẩm kết luận bị cáo Dung chiếm đoạt nhưng chưa làm rõ được hành vi của bị cáo Lê Thị Dung làm trái công vụ. Nếu xác định có yếu tố chiếm đoạt là cấu thành của tội phạm khác.

Theo kháng nghị của Viện KSND tỉnh Nghệ An các tài liệu, chứng cứ chưa thể hiện rõ quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên do bị cáo Lê Thị Dung ký từ năm 2012 đến năm 2017 có nội dung nào không có hiệu lực thi hành do trái pháp luật không.

Đồng thời việc xác định thiệt hại do hành vi trái công vụ của các bị cáo gây ra cần đảm bảo sự chính xác và thống nhất về số liệu để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, cấp sơ thẩm kết luận, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bị cáo Lê Thị Dung với vai trò là Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên (thời điểm này chưa sáp nhập Trung tâm GDTX và Trung tâm GDNN) đã xây dựng, ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ.

Quy chế này chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông qua, không đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc lập chứng từ kế toán sai, thanh toán sai quy định.

Trong đó, năm học 2014-2015, bà Dung đã thanh toán sai quy định số tiền hơn 30 triệu đồng; năm học 2015-2016 hơn 13 triệu đồng. Tổng hai lần với số tiền hơn 44,7 triệu đồng này đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Dung.

Việc thanh toán sai thể hiện ở các nội dung Bí thư chi bộ, học cao học... đã được thanh toán nhưng bà Dung vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho bản thân là thanh toán trùng (thanh toán hai lần) cho cùng một nội dung.

Căn cứ vào bảng tổng hợp của bà Dung và các cán bộ, giáo viên khác kê khai và ký xác nhận thì bà Hương đã tiến hành đề nghị Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên thanh toán.

Số tiền này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Dung. Việc này được xác định gây thiệt hại cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Đến năm học 2017-2018, bà Hương không làm thủ tục thanh toán tiền thừa giờ cho bà Dung và có nhiều văn bản kiến nghị lên cấp trên, đồng thời có đơn tố giác.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.