(GD&TĐ) - Tại buổi đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 10 giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ quốc tế (ngày 29-11), đã có rất nhiều ý kiến mở ra chiều hướng mới sáng sủa hơn trong chiến lược phòng chống tham nhũng của đất nước. Trong đó, ý kiến đặt ra-chống tham nhũng phải từ chính quyền cơ sở, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Thông thường, khi đề cập tới tham nhũng, người ta thường chỉ hay chĩa mũi nhọn vào cấp có quyền lực cao và những vụ tham nhũng lớn; từ đó kéo theo mọi việc làm, hành động xây dựng thể chế chính quyền nhằm đem đến sự công bằng, ổn định xã hội vẫn tập trung ở phần ngọn chứ không bắt đầu từ gốc rễ. Chẳng hạn như việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo càng ở cấp cơ sở thường lỏng lẻo; việc kiểm tra, giám sát đối với những việc làm của chính quyền cấp cơ sở thường bị phân tán, không thường xuyên, dẫn tới hiện tượng cấp dưới “làm mưa, làm gió” nhưng cấp trên không nắm bắt hết được.
Hệ thống hành chính được thiết kế 4 cấp, trung ương, tỉnh (thành phố) huyện (quân) và xã (phường). Xã (phường) là cấp cơ sở trong hệ thống hành chính; cấp cơ sở là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất, vì thế được phân cấp giải quyết những việc bức xúc hàng ngày đối với đời sống của dân. Trọng trách như thế là quan trọng. Thế nhưng gần đây, báo chí đã phát hiện hàng loạt việc làm sai trái của chính quyền cơ sở. Số lượng đơn thư khiếu kiện về đất đai phần lớn là khiếu kiện chính quyền ở cấp cơ sở (chiếm tỷ lệ hơn 80%). Điều đáng nói hơn cả là mặc dù những đơn thư khiếu kiện, tố cáo tham nhũng của người dân đối với cấp xã, phường được gửi lên cấp cao hơn nhưng còn rất hiếm được giải quyết triệt để.
Ảnh MH |
Vậy, mấu chốt của chống tham nhũng kém hiệu quả là ở đâu? Trước hết, đó phải là sự đổi mới về thể chế, chặn ngay những hành vi có thể tham nhũng từ cơ sở. Theo Dự thảo về luật phòng chống tham nhũng thì "tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi". Như vậy, tất cả những người có chức vụ, quyền hạn đều có cơ hội để tham nhũng. Làm thế nào để đặt ra một cơ chế mà những người có chức vụ, quyền hạn không thể tham nhũng? Vấn đề này cần được nghiên cứu thấu đáo, trên cơ sở tập hợp ý kiến của nhân dân từ các địa phương.
Hiện tại, đất đai vẫn là vấn đề nóng, vì liên quan tới chủ quyền, là lẽ sinh tồn của nhân dân, đang là lĩnh vực phát sinh khiếu kiện nhiều nhất, dễ gây mất ổn định xã hội nhiều nhất. Thế nhưng, hầu hết cấp chính quyền cơ sở hiện nay vẫn được giao quyền quản lý đất, nên mới nảy sinh việc tùy tiện thu hồi đất, cấp đất, từ đó dẫn tới tham nhũng: cấp đất cho bà con, họ hàng, biếu đất cho cấp trên để "ngoại giao", để đối lưu; đã có hiện tượng chủ tịch phường, xã cấp đất cho cả con em… chưa đến tuổi trưởng thành.
Ở lĩnh vực hoạt động kinh tế, lẽ ra cán bộ chính quyền không được tham gia làm kinh tế tư nhân, không được trực tiếp kinh doanh, chỉ nên tập trung vào các nhiệm vụ văn hóa, giáo dục, y tế thì khá đông trong số họ hiện nay lại có “sân sau” để thu lợi nhuận. Khi một chủ tịch phường, xã có công ty tư nhân, thì chắc chắn vị chủ tịch này sẽ không thể vô tư bỏ mặc cho số phận của công ty được. Tham nhũng, hối lộ có đất để sinh sôi từ đây…
Việc đổi mới cơ chế thanh tra, giám sát là việc rất cần phải làm đối với chính quyền cấp cơ sở. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, cũng đã có nhận định, tới 50% quyết định hành chính ở cấp cơ sở vi phạm pháp luật. Gánh chịu hậu quả của sự sai luật này không ai khác là người dân. Và để tiếng nói của dân lên được tới cấp cao hơn thì còn rất khó khăn, do cơ chế thanh tra, giám sát của ta còn bị ràng buộc bởi nhiều điểm bất hợp lý. Chẳng hạn việc quy định khiếu nại, tố cáo phải đúng trình tự, không được vượt cấp; nhưng khi người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo cho chính quyền cấp cơ sở thường là không có kết quả, do chính quyền cố tình che đậy sự thật; có trường hợp còn tìm cách quy tội trở lại cho người khiếu nại, tố cáo. Chính quyền cấp trên không thanh tra, giám sát tới nơi tới chốn, phần lớn lại cũng dựa vào kết quả trình báo ở cơ sở, dẫn tới tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở vẫn tồn tại kéo dài và có khi còn thay hình, đổi dạng tinh vi hơn…
Thiết nghĩ, để phòng chống tham nhũng hiệu quả, nên bắt đầu từ chính quyền cơ sở, với những giải pháp căn cơ, từ tuyển chọn đội ngũ cán bộ có trình độ cả về chuyên môn, văn hóa, đủ sức triển khai các chủ trương chính sách, tới sự đổi mới về cơ chế lãnh đạo, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đó ở từng địa phương.
Hồng Thúy