Chống 'sốc' cho học sinh lớp 1

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ ngày 21/8, các trường tiểu học tại TPHCM bắt đầu đón học sinh lớp 1 tựu trường, khởi động các hoạt động giáo dục năm học mới.

Cô Bích Trâm tặng quà cho trẻ trong ngày tựu trường.
Cô Bích Trâm tặng quà cho trẻ trong ngày tựu trường.

Sự chuyển tiếp từ thoải mái chạy nhảy, nói chuyện trong lớp sang trạng thái ngồi im, tập trung khiến không ít trẻ thu mình, bỡ ngỡ, thậm chí là “sốc học đường”.

Tạo không khí, môi trường thân thiện

Cô Đặng Bích Trâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/5 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), chia sẻ chuyển cấp là giai đoạn một số học sinh bị “sốc” về mặt tâm lí, đặc biệt đối với trẻ từ mầm non chuyển sang cấp tiểu học. Học sinh sẽ thay đổi các thói quen sinh hoạt, hoạt động vui chơi, chuyển sang tập trung ngồi vào bàn học.

Sự thay đổi này, đa số nhiều em chưa thể thích nghi, thậm chí cảm thấy hoang mang, lo lắng và sợ đến trường. Vì vậy, hàng năm vào dịp học sinh lớp 1 tựu trường, cô Trâm cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều hoạt động giúp trẻ giai đoạn đầu cấp học cảm thấy yêu thích đến trường thay vì lo sợ.

Cô Bích Trâm cho biết: Ngày tựu trường năm nay, tôi và đồng nghiệp đã sáng tạo “Hộp quà yêu thương” để đón chào các em lớp 1. Hộp quà được thiết kế tối giản, chất liệu giấy thân thiện với môi trường, có logo trường, tên học sinh.

Trong hộp là những đồ dùng quen thuộc như bút chì, thước kẻ… và cả những tấm thẻ chữ cái để học sinh có thể vừa chơi, vừa học. Đặc biệt, với tấm thẻ chữ cái các em có thể dùng tham gia trò chơi “đố bạn” để thử tài trí nhớ về các chữ cái, hình ảnh. Từ đó, việc tiếp nhận tri thức các em sẽ cảm thấy dễ dàng, thú vị và ham thích đến trường.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), những ngày đầu đến trường, các thầy cô đã tạo tâm thế vui vẻ, thoải mái cho học sinh lớp 1 bằng cách cho các em chơi trò chơi giao lưu để làm quen, nhớ tên bạn.

Học sinh được đưa tham quan trường học, giới thiệu từng phòng chức năng, từng khu để các em biết ngoài việc học ở lớp còn được học ở phòng chức năng, ngoài trời, vườn trường. Điều đó kích thích sự tò mò, thích thú của trẻ ở môi trường tiểu học, giúp các em thấy nhiều điều mới lạ hơn so với mẫu giáo, tạo động lực mỗi ngày đi học…

Cô Văn Ngọc Tường Vy, chủ nhiệm lớp 1/4, Trường Tiểu học Lê Văn Việt, cho biết: “Các hoạt động hỗ trợ trẻ chuyển giao tâm lý giữa 2 môi trường mầm non và tiểu học đã được Ban giám hiệu và giáo viên chú trọng. Thực tế tâm lý chung của phụ huynh lớp 1 là lo lắng con chuyển từ giai đoạn vui chơi sang học tập có theo kịp chương trình, bạn bè hay không... Tuy nhiên, ba mẹ an tâm rằng trên nền tảng trẻ đã có ở bậc mầm non, khi bước vào lớp 1 sẽ được giáo viên tiếp tục phát triển trên năng lực mỗi trẻ, từ đó có thể tin tưởng và đồng hành với nhà trường”.

Cô Đặng Thị Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận Tân Bình), cho biết: “Nhà trường tổ chức họp cha mẹ học sinh khối 1 ngay ngày đầu trẻ tựu trường, giáo viên chủ nhiệm làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, phổ biến nội quy nhà trường...

Đối với học sinh vào lớp 1, tuần đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng để hòa nhập, thích nghi, háo hức với môi trường học tập mới. Trong thời gian này, nhà trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động giúp các em làm quen với trường, lớp, kết nối với bạn bè, thầy cô, xóa tan cảm giác xa lạ ở môi trường mới”, cô Dung chia sẻ.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền dỗ dành học sinh ngày tựu trường.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền dỗ dành học sinh ngày tựu trường.

Nhà trường, phụ huynh chung tay

TS tâm lý Bùi Hồng Quân, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết việc đi học lớp 1 là sự thay đổi lớn đối với trẻ. Ngoài những học sinh mạnh dạn, tự tin thì còn một số em nhút nhát, thậm chí có trường hợp không chịu đến trường hoặc đi học trong trạng thái sợ hãi. Tùy vào đặc điểm từng em mà việc “sốc” hay không diễn ra ở mức độ khác nhau.

Theo TS Bùi Hồng Quân, dưới góc độ nhà trường, chắc chắn giáo viên đã có những kinh nghiệm đón trẻ vào lớp 1. Tuy nhiên đa phần sĩ số học sinh một lớp đông, từ 35 - 50 bé nhưng chỉ có một cô giáo chủ nhiệm phụ trách, nên việc quan tâm, gần gũi với trẻ là một thách thức.

Trong thời gian đầu, chắc chắn việc học chưa phải là yêu cầu lớn mà ở thời điểm giáo viên giúp các bé làm quen với môi trường, thầy, cô và bạn bè. Chính vì vậy, ngày đầu tiên trẻ bước vào lớp 1, thầy cô phải chuẩn bị tâm thế để đón bé một cách nhẹ nhàng, tình cảm.

“Có thể trẻ chưa hòa nhập ngay nhưng cũng nên hiểu rằng đó là khó khăn tâm lý khó tránh. Vì vậy, thầy cô cần giúp trẻ cảm nhận được sự gần gũi và quan tâm của mình. Đó là một trong những điều quan trọng giúp các em an tâm khi tới trường.

Đồng thời, giáo viên cần hướng dẫn học sinh trong lớp cách tương tác, tiếp xúc với nhau bởi đây là lần đầu tiên các con gặp nhau nên sẽ có những bỡ ngỡ. Thầy cô tâm lý và chào đón nhẹ nhàng, thân thiện, chắc chắn học sinh sẽ tự tin, vui vẻ đến trường”, TS Bùi Hồng Quân chia sẻ.

TS Bùi Hồng Quân cũng đưa ra lời khuyên, cùng với nhà trường, phụ huynh phải dành cho con thời gian nhiều hơn ở những ngày mới bước vào lớp 1. Cha mẹ cố gắng đưa đón con đúng giờ, tránh tình trạng vì công việc để con chờ lâu trong những ngày đầu thì rất có thể con sẽ buồn và suy nghĩ tiêu cực.

Bên cạnh đó, mỗi ngày con học về phụ huynh nên trò chuyện với con về tình hình ở trường thế nào, nói với con những lợi ích khi đến trường, giá trị của việc học. Giai đoạn đầu bài vở chưa có nhiều, phụ huynh không nên quá áp lực đặt ra mục tiêu cho con kết quả này, kia. Điều quan trọng là giúp cho trẻ yên tâm đến trường và cảm nhận niềm vui đến lớp.

“Những tuần đầu tiên học sinh vào lớp 1 là khoảng thời gian giáo viên chủ nhiệm rất vất vả. Thầy cô phải nắm kỹ tâm lý, tính cách, năng lực, hoàn cảnh gia đình từng em để có cách thức tiếp cận phù hợp. Giai đoạn đầu năm học các em cần nhất sự hỗ trợ, theo sát của phụ huynh, làm sao tạo niềm yêu thích khi đến trường. Công tác trao đổi, liên lạc giữa phụ huynh với giáo viên trong giai đoạn này cũng có vai trò quan trọng giúp trẻ thích nghi, làm quen với môi trường mới”, cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.